.

Dư luận thế giới đồng tình, ủng hộ Việt Nam

.

Bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với các chuyên gia quốc tế về những vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Theo các chuyên gia quốc tế, dư luận thế giới ủng hộ ứng xử của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Đoàn Lương
Theo các chuyên gia quốc tế, dư luận thế giới ủng hộ ứng xử của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Đoàn Lương

Ông Carl Thayer (Giáo sư danh dự đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc): Trung Quốc đang lập “làng Trung Quốc” trên những hòn đảo nhân tạo của mình

Việc Trung Quốc xây dựng những hòn đảo nhân tạo chưa từng tồn tại trên trái đất đang làm cho tình hình trên Biển Đông thêm căng thẳng. Tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ không đặt căn cứ quân sự trên các đảo nổi riêng biệt, đơn lẻ này bởi khó khăn trong phòng thủ dưới nước lẫn trên không. Tất cả những gì mà Trung Quốc đã, đang và sẽ làm là tạo nên những “làng Trung Quốc”, từ đó tăng sản lượng ngư nghiệp, lợi nhuận thương mại và quan trọng nhất là đánh dấu chủ quyền tại nơi diễn ra những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới này.

Phải thừa nhận rằng, trong số các nước đang tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc có chiến lược hoàn thiện nhất. Họ không chỉ sử dụng lực lượng dân sự nhằm duy trì sự hiện diện liên tục ở các vùng biển tranh chấp mà còn triển khai lực lượng này trong các cuộc đối đầu trực tiếp với tàu cá và tàu nghiên cứu khoa học của các quốc gia ven biển.

Cả Mỹ và Nhật Bản đều không chấp nhận viễn cảnh Trung Quốc sẽ thống trị Biển Đông. Do đó, cả 2 nước sẽ có những động thái đối phó dưới nhiều hình thức khác nhau. Về phía Việt Nam, các bạn đã rất thông minh khi chọn cách bình tĩnh, khôn khéo, mềm dẻo, không bị đối phương kích động nhưng cũng rất cứng rắn để đàm phán với Trung Quốc. Các bạn cũng rất nhanh nhạy khi mời các chuyên gia về luật biển quốc tế, luật quốc tế… tham gia vào các hội nghị, hội thảo về Biển Đông; qua đó thu hút được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận thế giới.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế và sự đàm phán mềm dẻo là chưa đủ, các bạn cần phải luôn cảnh giác cao độ, đề phòng, phòng thủ, từ đó xây dựng quyết sách xử lý kịp thời, hiệu quả để vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, vừa duy trì môi trường hòa bình bên ngoài, đặc biệt là mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.

Ông James Charles Kraska (Giáo sư Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ): Trung Quốc không thể thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế

Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình để thế giới thấy hình ảnh của một siêu cường. Tuy nhiên, quá trình đàm phán Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các phán quyết tòa án quốc tế cho thấy chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế đều có lợi cho Việt Nam. Dù Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép Hoàng Sa hoặc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn thì cũng không thể thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế này.

Dù đưa ra yêu sách mở rộng đối với các thực thể đất hay bãi ngầm mà Trung Quốc đã xâm chiếm bằng vũ lực ở ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc vẫn mãi mãi không có danh nghĩa pháp lý với các thực thể ở Biển Đông. Bởi, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, sau năm 1945, xâm chiếm không phải là phương thức hợp pháp để sở hữu lãnh thổ.

Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Bà Jane Chan, Nghiên cứu viên và Điều phối viên của Chương trình An ninh biển tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore): Những hiểm họa trên Biển Đông có nguy cơ ngày càng trầm trọng bởi xung đột

Biển Đông là vùng biển có nhiều hiểm họa như: hải tặc, khủng bố, đánh bắt bất hợp pháp, buôn người, buôn lậu vũ khí, ma túy... Những tranh chấp biên giới chưa giải quyết hiện nay đang làm những vấn đề trên thêm trầm trọng.

Có lẽ, tất cả các quốc gia đều thấy được an ninh vận tải biển và thương mại đường biển thông qua Biển Đông mang lại lợi ích chung to lớn cho toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia có liên quan khác ngoài khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, vì tham vọng cá nhân, vì tranh chấp mà những đường biên giới biển rạch ròi vẫn chưa được xác lập; từ đó làm phức tạp hóa việc xác định quyền chủ quyền trên biển giữa các nước.

Đây là nguyên nhân cản trở hoạt động thi hành pháp luật hữu hiệu, có khả năng ngăn chặn đánh bắt trái phép, cướp biển hay tấn công có vũ trang vào các tàu. Những hoạt động phi pháp, những nguy cơ phi truyền thống tại Biển Đông này chỉ có thể được khắc phục, giải quyết khi các nước trong khu vực cùng hợp tác với nhau. Bởi, hợp tác sẽ không chỉ làm giảm các ảnh hưởng do các thách thức mang lại mà còn thúc đẩy lòng tin giữa các quốc gia.

MAI TRANG thực hiện

;
.
.
.
.
.
.