Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra vào chiều 5-11 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Những gì Trung ương quy định chưa rõ thì Đà Nẵng quy định rõ hơn chứ không “xé rào”, vượt rào”.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 1.293 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy nhưng chỉ đưa đi cai nghiện bắt buộc được 79 trường hợp. TRONG ẢNH: Học viên được đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06. |
Triển khai quy chế còn quá chậm
Sau hơn một tháng thực hiện các quy định mới về cai nghiện ma túy, tính đến thời điểm này, các lực lượng chức năng đã lập 11 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, 7 trường hợp đã chuyển hồ sơ sang tòa án đề nghị xét xử, 4 trường hợp đã được tòa án xét xử và đưa ra quyết định; 3 trường hợp đã đưa vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 và 1 trường hợp bỏ trốn không chấp nhận quyết định của tòa án. Riêng cai nghiện tại gia đình - cộng đồng thì chưa có trường hợp nào.
Với số lượng hồ sơ quá ít ỏi này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận: “Triển khai quy chế như vậy là còn chậm hơn rất nhiều lần so với thực tế, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Chúng ta phải rà lại với một thái độ quyết liệt. Kể cả quy chế có chỗ nào chưa ổn thỏa thì phải sửa ngay từ bây giờ”.
Lý giải điều này, Thượng tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC47 - Công an thành phố Đà Nẵng), cho rằng do trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chiếm nhiều thời gian nên việc giao cho gia đình quản lý người nghiện theo quy định này là không khả thi.
“Thử hỏi có gia đình nào muốn nuôi giữ một đứa con đến lư hương cũng đem đi bán. Đã có nhiều phụ huynh trước mặt con cái, các cơ quan chức năng nói sẽ quản lý nhưng khi không có đối tượng, họ lại nói nhỏ rằng rất mong cho chúng tôi đưa đối tượng đi cai nghiện cho rồi”, Thượng tá Nguyễn Văn Hoa nói.
Ngoài ra, Công văn số 234/TANDTC-HS của Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 17-9-2014 quy định đề nghị xác định hàm lượng chất ma túy nên công tác điều tra tội phạm ma túy gặp nhiều khó khăn. Có một số vụ án sau khi giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) không hoàn lại mẫu vật do lượng ma túy thu giữ gửi giám định quá ít.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy chế
Báo cáo của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, nguồn ma túy thẩm lậu hiện nay vẫn do các đối tượng tại thành phố móc nối với số đối tượng tại Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn để hoạt động, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, phổ biến vẫn là phương thức thuê phòng ở khách sạn, nhà nghỉ để ẩn náu hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 1.293 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, đã đưa đi cai nghiện bắt buộc 79 trường hợp. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 40 trường hợp. Nguyên nhân do vướng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trong số các trường hợp vi phạm, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp phổ biến, chiếm tới 83,6%. Đặc biệt, 90% người sử dụng là thanh thiếu niên; trong đó, đáng lưu ý là 9 trường hợp dưới 16 tuổi, 40 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy là học sinh, sinh viên và 16 trường hợp sử dụng ma túy trong khi đang điều trị bằng Methadone.
Để giải quyết những vướng mắc đang nảy sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Công an thành phố cần kiến nghị với Bộ Công an cho Đà Nẵng, cũng là đại diện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, được mua mẫu chuẩn để tiến hành giám định hàm lượng ma túy theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Văn Hoa bày tỏ quan ngại rằng “người nghiện không có nơi cư trú ổn định” cụ thể là những đối tượng nào trong khi đối tượng nghiện dù có nơi ở ổn định vẫn nay đây mai đó. Trường hợp đối tượng bỏ trốn không thi hành quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc trong thời gian qua là ví dụ điển hình.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Chúng ta tự định nghĩa với nhau “không có nơi cư trú ổn định” là: có đăng ký thường trú, tạm trú nhưng ở nơi đây mai đó, công an đi kiểm tra thường xuyên nhưng vắng mặt, gia đình thừa nhận thì quy đối tượng vào thành phần không có nơi cư trú ổn định và lập tức tìm đưa đối tượng vào cơ sở lưu trú tạm thời để lực lượng chức năng dễ quản lý”.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ còn yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho thành phố kiến nghị với Trung ương cho phép Đà Nẵng cùng thành phố Hồ Chí Minh thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để tiến hành cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ và quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3-11 vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từ nay đến ngày 10-11, tất cả các địa phương phải đồng bộ triển khai tập huấn, thống kê cụ thể số người nghiện trên địa bàn, giải thích cặn kẽ những vướng mắc cho các bên liên quan trong quá trình lập hồ sơ và sẽ đi kiểm tra đột xuất một số địa phương.
“Tôi khẳng định lại, những gì Trung ương quy định chưa rõ thì Đà Nẵng quy định rõ hơn chứ không “xé rào”, “vượt rào”. Đà Nẵng sáng tạo trong công tác cai nghiện ma túy trên cơ sở hoàn toàn đúng luật. Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chế để phù hợp với thực tiễn hơn. Đừng để chúng ta lạc hậu với chính bản thân mình”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Bài và ảnh: BÌNH AN