.

Gần 4.500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm

.

Tính đến ngày 30-10, có 4.414 học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; trong đó, có 18 thạc sĩ, 1.950 người có trình độ ĐH, 1.676 người có trình độ CĐ, 770 người có trình độ trung cấp.

Đây là thông tin được Sở LĐ-TB&XH thành phố đưa ra tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố với sở này sáng 12-11, thực hiện chương trình giám sát 6 tháng cuối năm nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố khóa VIII.

Ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố, nhìn nhận: “So với thực tế, số lao động chưa có việc làm còn rất nhiều, chúng ta phải nhìn nhận lại, cần phân luồng lao động, ngành nghề và cần đào tạo lại theo đúng nhu cầu của thị trường lao động”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng: “Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm và đổ xô đi học thạc sĩ mà báo chí nêu trong thời gian qua là có thật. Vấn đề là nhiều thạc sĩ, sinh viên ra trường đến cách viết một văn bản cũng viết không được, thậm chí còn sai chính tả”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH lý giải: “Trong số những người thất nghiệp này, có bao nhiêu người đến các phiên giao dịch việc làm và có một thực tế là nhiều sinh viên không cần làm gì, không cần giới thiệu, tự bản thân các em cũng tìm được việc làm và tự tạo việc làm cho mình bằng các ngành dịch vụ. Chúng ta đào tạo lại nhưng có bao nhiêu em sẽ đến học? Đào tạo nghề - thị trường lao động - cá nhân người lao động, 3 yếu tố này nếu không “khớp” như kiềng 3 chân thì tình trạng thất nghiệp sẽ còn tái diễn. Thời gian qua, chúng tôi đã mở các lớp tư vấn, định hướng nghề và thấy hiệu quả rõ rệt”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bức xúc trước nạn bán hàng rong, xin ăn biến tướng tái diễn tại nhiều địa bàn, gây mất trật tự và mỹ quan đô thị.

Từ đầu năm đến nay, Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn thành phố đã cảnh cáo, nhắc nhở 659 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, đưa 61 trường hợp lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; đưa 39 đối tượng tâm thần lang thang vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; tập trung 2 đối tượng lợi dụng, chăn dắt người khuyết tật để bán hàng rong và ăn xin, đề nghị Công an thành phố điều tra xử lý.

Ngoài ra, đã vận động gần 1.100 cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong tại cơ sở; tạm giữ 18 bộ âm thanh, loa bán hàng rong gây tiếng ồn, 7 xe bán hàng rong.

Theo Sở LĐ-TB&XH, một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên do lực lượng chức năng ở các địa phương không duy trì thường xuyên; một số nơi sau giờ nghỉ, ngày lễ, ngày chủ nhật không bố trí lực lượng kiểm tra hoặc bố trí lực lượng quá mỏng, có biểu hiện ngại khó. Tại một số tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại, Hồ Nghinh,… chưa có biển quy định cấm bán hàng rong nên lực lượng thực thi xử lý gặp nhiều khó khăn.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.