Chiều 18-11, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, qua 7 phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau với gần 40 bài phát biểu tham luận chất lượng, trên tinh thần thảo luận thẳng thắn, cầu thị và xây dựng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp.
Các học giả quốc tế trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Phát biểu bế mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Nhiều đóng góp tâm huyết, rất có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra, tất cả chung một mục đích giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, các khuyến nghị và ý kiến đóng góp tâm huyết đó sẽ được chuyển tới các bên hữu quan, các cơ quan chức năng qua các kênh và con đường khác nhau, để biến các mong muốn và ý nguyện chung của chúng ta thành hiện thực”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, trong quá trình thảo luận đã nổi lên một số chủ đề lớn và cần tiếp tục đầu tư suy nghĩ để góp phần làm rõ và trao đổi kỹ hơn trong thời gian tới, đó là: Hiểu rõ hơn và minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông, hiện trạng và cách giữ nguyên trạng ở Biển Đông, hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở Biển Đông.
Xây dựng lòng tin để ngăn ngừa xung đột
Một số học giả cho rằng với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình, để cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường. Tham vọng hướng biển của Trung Quốc có thể nhìn thấy tại những vùng biển phía Đông của Trung Quốc (Hoa Đông) và Biển Đông, nơi những nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy những yêu sách của mình ngày càng trở nên quyết liệt trong những năm gần đây.
Một số học giả còn lo ngại rằng, chính tham vọng trở thành cường quốc biển đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực châu Á; bức tranh địa chính trị châu Á trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, làm vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó giải quyết.
Trong các phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã làm rõ các nhân tố và tác động tới tình hình Biển Đông như vai trò của Nhà nước, các thực thể phi Nhà nước, các lực lượng quân sự và phi quân sự, vai trò của lợi ích an ninh, kinh tế, môi trường của các bên đối với tình hình diễn biến của Biển Đông trong thời gian gần đây.
Các học giả đã phân tích xu thế chuyển động trong quan hệ quốc tế và quan niệm khu vực về trật tự hàng hải ở Biển Đông, triển vọng áp dụng các khuôn khổ pháp lý quốc tế về các vùng lãnh thổ, vùng biển, đáy biển và vùng trời để giảm thiểu khác biệt và giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa để ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông.
Hành động phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế
Một số học giả cho rằng tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Điển hình như Liên minh châu Âu, một đối tác ASEAN có nhiều lợi ích chiến lược tại Biển Đông và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống, quản lý xung đột, sáng lập và thực hiện các quy tắc luật quốc tế, có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình, giúp các nước trong khu vực Biển Đông quản lý và giải quyết tranh chấp tại khu vực.
Các học giả cũng cho rằng, xây dựng một trật tự pháp quy dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông là một cam kết, can dự dài hạn, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực, có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không.
Nhiều học giả đã nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.
Các học giả đặc biệt nhấn mạnh rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Giải pháp thực tế và phù hợp nhất hiện nay là các bên cùng xây dựng các quy tắc ứng xử để bảo đảm hành động của mình phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế và không làm gia tăng va chạm, tranh chấp tại Biển Đông.
ĐOÀN LƯƠNG