.

Khó khăn giải quyết đất rẻo

.

Xử lý một hồ sơ đề nghị chuyển quyền sử dụng đối với đất rẻo phải thực hiện 11 công đoạn thủ tục hồ sơ hành chính, xin ý kiến của 8 cơ quan, đơn vị với thời gian giải quyết 120 ngày. Thế nhưng, khi có kết quả, người đề nghị chuyển quyền không mua, không lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Đất rẻo bỏ hoang hóa hoặc bị chiếm dụng trái phép.

Một thửa đất rẻo ven đường Ngô Thì Sĩ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn chưa quản lý khai thác, để người dân chiếm dụng xây nhà tạm bợ.
Một thửa đất rẻo ven đường Ngô Thì Sĩ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn chưa quản lý khai thác, để người dân chiếm dụng xây nhà tạm bợ.

Chưa bán thì giành, bán rồi không mua

Trường hợp thứ nhất, gia đình ông N.X.Q, ở đường Nguyễn Đức Trung, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê có nhu cầu mua lại 2 thửa đất rẻo vốn là đất ở của gia đình nhưng đã thu hồi để triển khai dự án khu dân cư mới. Ông Q. cho biết, sau khi giải tỏa thực hiện dự án, đất rẻo còn lại của cả 2 thửa có diện tích 28,5m2 và 24m2.

Đơn đề nghị mua đất rẻo, hợp thửa của ông Q. chưa được giải quyết thì cũng ở địa điểm đất rẻo trên, ông P.B, người cùng địa phương đến xây dựng, cũng có đơn xin mua đất rẻo. Từ đây dẫn đến việc tranh giành mua đất rẻo.

Ở trường hợp khác, việc giành mua đất rẻo dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Tại vị trí giữa số nhà 581-583 đường Hoàng Diệu có thửa đất rẻo diện tích 13,7m2, nhưng 2 hộ gia đình kế cận đã tranh chấp. Ban đầu, hộ gia đình số nhà 581 Hoàng Diệu được mua đất rẻo, nhưng hộ gia đình số nhà 583 không đồng tình nên khiếu kiện. Do đó, qua chỉ đạo UBND thành phố, UBND quận Hải Châu tiến hành đền bù giải tỏa khu đất rẻo chuyển mục đích sử dụng vào việc xây dựng trạm dân phòng.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố cho biết, tình trạng đề nghị mua đất rẻo; khiếu kiện, tranh giành chuyển quyền đất rẻo chiếm tỷ lệ rất lớn trong số các đơn thư, phản ánh của cử tri và nhân dân. Nhiều đơn thư kéo dài nhưng vẫn chưa được cơ quan, đơn vị chức năng nào giải quyết.
Tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, tình hình xử lý đơn thư chuyển nhượng đất rẻo rất phức tạp. Đất rẻo chưa quy hoạch sử dụng, chưa thực hiện chuyển nhượng thì người dân tranh giành nhưng khi lập thủ tục chuyển quyền… lại không mua. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý 38 trường hợp chuyển quyền sử dụng đất rẻo, giá trị thu tiền sử dụng đất 13,93 tỷ đồng. Tuy nhiên, trung tâm chưa thu được đồng nào nên ghi nợ và đây là nợ khó đòi.

Điều chỉnh quy trình khai thác đất rẻo

Có 2 nguồn đất rẻo được hình thành từ quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương và triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đất rẻo được đơn vị chức năng quản lý với các hướng giải quyết như quy hoạch sử dụng đất cho các công trình công cộng, chuyển quyền sử dụng để làm nhà ở hoặc hợp thửa với hộ liền kề.

Theo ông Nguyễn Chí Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, hiện có quá nhiều đơn đề nghị mua đất rẻo, hợp thửa đất rẻo. Việc quản lý đất rẻo cũng vô cùng phức tạp do tranh giành chuyển quyền đất rẻo của các hộ dân, nhiều vị trí đất rẻo khó định giá để chuyển quyền. Tuy nhiên, khi Hội đồng thẩm định giá thành phố định giá và UBND thành phố phê duyệt giá chuyển quyền thì người có đơn xin mua lại không mua. Hiện có 200 trường hợp đã định giá đất để chuyển quyền nhưng người có đơn không mua. Nhiều trường hợp chiếm dụng để sử dụng trái phép.

Đặc biệt, đất rẻo được chuyển quyền sử dụng đất số lượng không nhiều, nguồn thu ít nhưng tốn chi phí quản lý bởi thực hiện quá nhiều các cuộc họp, chi phí sinh hoạt, phương tiện đi lại, thời gian làm việc của cán bộ, công chức. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phân công một phó giám đốc chuyên theo dõi, xử lý tình hình sử dụng đất rẻo nhưng kết quả giải quyết rất thấp; bởi giải quyết một đơn thư mua đất rẻo trải qua 11 công đoạn, trong đó có 8 lần xin ý kiến của các đơn vị liên quan từ xã/phường, quận/huyện, sở, ngành, Hội đồng thẩm định giá và UBND thành phố. Chặng đường giải quyết một đơn xin mua đất, chuyển quyền sử dụng đất rẻo kéo dài 120 ngày.

Ông Nguyễn Chí Thức đề nghị thành phố điều chỉnh quy trình quản lý đất rẻo, công khai nguồn đất rẻo để quản lý, khai thác hợp lý hơn. Trong đó có việc thực hiện đúng các quy trình về xử lý đơn thư khiếu nại, ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Quản lý hiệu quả đất rẻo cũng ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo, phá vỡ cảnh quan đô thị.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.
.