Tại cuộc giám sát của Ban Pháp chế, HĐND thành phố chiều ngày 7-11, Sở Nội vụ đề nghị HĐND thành phố không giao tăng biên chế, lao động hành chính đối với các cơ quan đơn vị trong năm 2015.
Theo Sở Nội vụ, giữ nguyên biên chế (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới) là thực hiện Kết luận số 63-KL/TW của Trung ương Đảng (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 7, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị không tăng biên chế đến năm 2016.
Sở Nội vụ cho biết, hiện nay, trong các cơ quan hành chính của thành phố vẫn còn một lượng lớn hợp đồng lao động (HĐLĐ) tới 673 người. Trong khi đó, số người thuộc Đề án 922 được đào tạo bằng ngân sách thành phố tiếp tục trở về làm tăng số HĐLĐ.
Để hạn chế gia tăng số lượng HĐLĐ tại các cơ quan hành chính, Sở Nội vụ đề nghị thành phố từ nay trở đi thôi thực hiện việc HĐLĐ tại các cơ quan này, trừ trường hợp đặc biệt do lãnh đạo thành phố xem xét quyết định. Sở Nội vụ cũng đề nghị tạm dừng chính sách thu hút nguồn nhân lực về các cơ quan hành chính, trừ những trường hợp đủ tiêu chuẩn được tuyển thẳng vào công chức không qua thi tuyển.
Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Quốc Bình đề nghị thành phố xem xét có nên tiếp tục Đề án 922 trong khi chủ trương của Trung ương là không tăng biên chế mà còn phải tinh giản làm gọn bộ máy lại. Nếu tuyển lao động cho các cơ quan hành chính từ chính sách thu hút thì thành phố có nhiều cơ hội lựa chọn hơn mà không tốn ngân sách đào tạo, lại sử dụng được ngay không phải chờ đào tạo xong.
Đối với Đề án 922, thành phố đã bỏ tiền ra đào tạo thì phải tiếp nhận, bố trí việc làm cho những người này. Được biết, số tiền thành phố bỏ ra đào tạo cán bộ theo Đề án 922 đến nay khoảng 650 tỷ đồng và đã có 10% trong số người tốt nghiệp bỏ nhiệm sở.
Các thành viên Ban Pháp chế đồng tình với đề nghị của Sở Nội vụ và chỉ ra rằng không chỉ cơ quan hành chính mà khối Đảng, đoàn thể ở cơ sở cũng có nguy cơ tăng biên chế vì ngành nào cũng muốn xây dựng đầu mối đến phường, xã. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hồng cho rằng khối Đảng, đoàn thể của thành phố cũng phải thực hiện nghiêm túc chủ trương không tăng biên chế.
Liên quan đến tổ chức dưới cơ sở, các thành viên Ban Pháp chế phản ánh ý kiến cử tri cho rằng quy mô tổ dân phố (TDP) hiện nay quá nhỏ, có điểm thuận lợi cho công tác quản lý nhưng cũng có bất lợi vì chỉ có một tổ trưởng điều hành hoạt động.
Số lượng TDP quá nhiều (5.279 TDP), hằng năm tốn một khoản ngân sách lớn chi cho phụ cấp tổ trưởng. Nay Sở Nội vụ lại đề nghị hỗ trợ khoán kinh phí hoạt động cho TDP (1 triệu đồng/TDP/năm) và thôn (2 triệu đồng/thôn/năm) lại tốn thêm mỗi năm gần 6 tỷ đồng. Ban Pháp chế yêu cầu phải cân nhắc khoản chi này, nếu chi cho TDP, thôn thì phải chi cho chi bộ Đảng ở khu dân cư và các tổ chức khác. Sở Nội vụ đề nghị giữ nguyên quy mô số hộ dân của mỗi TDP nhưng địa phương nào muốn sát nhập cho gọn thì vẫn khuyến khích.
Về công tác cải cách hành chính, Sở Nội vụ thừa nhận người dân, doanh nghiệp vẫn còn bị gây phiền hà do thái độ và hướng dẫn không đầy đủ của cán bộ, công chức. Vẫn còn hồ sơ trễ hẹn đối với các thủ tục hành chính liên thông từ hai cơ quan trở lên. Bộ phận “một cửa tập trung” tại Trung tâm Hành chính thành phố với 32 quầy giao dịch hoạt động tốt.
Lãnh đạo Ban Pháp chế đánh giá cao kết quả công tác năm 2014 của Sở Nội vụ. Ban yêu cầu Sở Nội vụ cần tiếp tục tham mưu cho thành phố rà soát chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý, ban chỉ đạo, hội đồng... để tiếp tục sắp xếp thu gọn bộ máy tổ chức; công tác xử lý cán bộ, công chức vi phạm Chỉ thị 29-CT/TU cần phối hợp tốt để xử lý cả về mặt Đảng và chính quyền; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua-khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả.
S.TRUNG