.

Ngày đầu trong quân ngũ

Chúng tôi đến Trung đoàn 971 vào một chiều chủ nhật giữa tháng 9, không khí học tập, huấn luyện trang nghiêm thường ngày nhường chỗ cho niềm vui của một ngày hội. Hàng trăm người thân của chiến sĩ mới nhập ngũ đến thăm con em mình đều mang tâm trạng hồ hởi, phấn khởi…

Quanh khu vực căng tin, hội trường, dưới những tán cây xanh, ghế đá, từng nhóm trò chuyện râm ran bên các tân binh. Câu chuyện của họ xoay quanh những ngày đầu trong quân ngũ với bao điều lạ lẫm, mới mẻ và cả khó khăn, vất vả mà những bạn trẻ khi ở nhà chưa trải qua.

Song, hơn hết vẫn là niềm vui, niềm tự hào của cả chiến sĩ mới lẫn người thân khi con em mình thực sự trưởng thành qua từng ngày. Ông Đặng Nồng và bà Lê Thị Sáu (ở tổ 86, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chủ nhật nào cũng đến thăm con trai là tân binh Đặng Lê Viên.

Mặc dù đã tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin và đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, nhưng Viên sẵn sàng lên đường nhập ngũ khi trúng tuyển. Bà Sáu cho biết: “Những lần vào thăm con, thấy con tuy da sạm đen hơn nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi và tự tin, tôi rất yên tâm và mong muốn con phấn đấu trưởng thành, nếu có thể thì được phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Trung úy Phạm Mạnh Dũng, Chính trị viên Đại đội 1 - Tiểu đoàn 1 cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị là anh em tân binh những ngày đầu mới bước chân vào quân ngũ rất bỡ ngỡ. Hầu hết các chiến sĩ tuổi 18, đôi mươi, chưa xa gia đình; không ít người nhớ nhà, nhớ người thân đã khóc thầm trong những ngày đầu vào đơn vị. Vì thế, đội ngũ cán bộ, nhất là tiểu đội, trung đội, thường xuyên quan tâm, theo dõi diễn biến tư tưởng của từng chiến sĩ; động viên kịp thời để anh em nhanh chóng làm quen với nếp sống tập thể, quên đi nỗi nhớ nhà để học tập, huấn luyện tốt”.

Đặc biệt, đơn vị đã tích cực, chủ động làm tốt công tác quản lý tư tưởng của chiến sĩ thông qua mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình, người thân. Việc tổ chức cho gia đình thăm hỏi thường xuyên vào chủ nhật hằng tuần là nguồn động viên lớn để chiến sĩ mới yên tâm tư tưởng. Đối với các chiến sĩ, tuần nào không có người thân đến thăm, đơn vị nắm bắt kịp thời, liên hệ với gia đình, biết rõ lý do để động viên chiến sĩ. Như chiến sĩ Lê Văn An, trong tuần đầu tiên do nhớ nhà đã tự động bỏ về gia đình mà không xin phép. Đơn vị đã trực tiếp liên lạc và phối hợp với cha mẹ đưa chiến sĩ về lại đơn vị chỉ sau hai ngày.

Năm nay, Trung đoàn 971 tiếp nhận huấn luyện thêm 75 chiến sĩ mới cho Lữ đoàn Thông tin 575 Quân khu 5, trong đó có 25 chiến sĩ người Quy Nhơn, Bình Định. Mặc dù đơn vị không có nhà khách nhưng vẫn cố gắng sắp xếp chu đáo nơi ăn ở cho gia đình chiến sĩ đến thăm và ở lại nhiều ngày. Từ đó, các chiến sĩ mới quê ở xa đều rất phấn khởi, yên tâm trong những ngày đầu xa nhà.

Không chỉ vậy, từ khi chiến sĩ mới đặt chân vào đơn vị, Tiểu đoàn còn tổ chức thường xuyên các hoạt động sinh nhật hằng tháng, thi hát karaoke “Giọng hát binh nhì”, khuyến khích các chiến sĩ mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình. Đặc biệt, đêm giao lưu “Vòng tay đồng đội” với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ các chi đoàn kết nghĩa đến từ Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường CĐ Kinh tế - kế hoạch, các phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc… diễn ra sôi nổi.

Đoàn Thanh niên còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho chiến sĩ bằng việc tập hát, các trò chơi dân gian, thể thao…, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết các chiến sĩ với nhau trong một tập thể đoàn kết. Trong các nội dung học tập chính trị, đơn vị lồng ghép giáo dục, tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn về lối sống đẹp, thanh niên nói không với thuốc lá, thực hiện nếp sống văn minh, giữ nghiêm kỷ luật…, từng ngày làm chuyển biến nhận thức cho những chiến sĩ.

Đến nay, qua hơn 2 tháng nhập ngũ, 185 chiến sĩ mới đã thực sự làm quen với cuộc sống quân ngũ, giờ nào việc nấy, thực hiện nền nếp chính quy, từ sắp xếp nội vụ đến học tập, huấn luyện, thi đua, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất. Tất cả đều hướng đến ngày tuyên thệ để chính thức trở thành người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.