.

Nghĩa tình nhà giáo xứ Quảng với thủ đô

.

Cuộc họp mặt kỷ niệm 60 năm người Quảng Nam và Đà Nẵng ở thủ đô Hà Nội (1954-2014) vào tháng 10 vừa qua đã diễn ra thật xúc động và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về nghĩa tình của người xứ Quảng.

Từ trái sang: Các Giáo sư Hoàng Trọng Phiến, Hoàng Tụy.
Từ trái sang: Các Giáo sư Hoàng Trọng Phiến, Hoàng Tụy.

Bộ phim tài liệu do Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam thực hiện và cuốn sách Người Quảng ở thủ đô Hà Nội do Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội biên soạn giới thiệu hơn 100 gương mặt tiêu biểu trong số cán bộ, bộ đội, học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng đã sống, học tập, làm việc ở Hà Nội trong 60 năm qua; trong đó nhiều người là giáo viên thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhiều người là học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Quảng Nam) và Trường Trung học chuyên khoa Lê Khiết tập kết ra Bắc.

Các nhà giáo dục kháng chiến đã có nhiều đóng góp tích cực ở Bộ Giáo dục và ĐH Sư phạm Hà Nội cũng như nhiều trường ở thủ đô. Các học sinh các trường Phan Châu Trinh, Lê Khiết sau khi tiếp tục học ở ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm đã trở thành những cán bộ giảng dạy ĐH, giáo viên phổ thông ở Hà Nội.

Nghĩa tình sâu đậm của nhà giáo xứ Quảng với thủ đô để lại dấu ấn rất rõ ràng trong học sinh, sinh viên là học trò của các thầy giáo, cô giáo xứ Quảng. Thời gian đầu, học sinh, sinh viên không quen giọng nói và một số từ địa phương vì thầy Nam - trò Bắc nhưng sau quen dần và trở nên thân thiết. Ở ĐH Sư phạm Hà Nội, các cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa Văn thường nhắc đến GS, Nhà giáo nhân dân (NGND) Huỳnh Lý, mà nhiều người thường gọi là “Huỳnh Tình” vì thầy sống rất tình cảm; nhắc đến GS,NGND Lê Trí Viễn, tấm gương sáng về tự học và say mê văn chương, người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, nhiều người còn nhớ bài thơ Khai giảng có bắn súng năm 1968 của thầy thời sơ tán.

Những sinh viên cũ của khoa Văn - ĐH Sư phạm Hà Nội sau này thành đạt như: Nguyễn Đức Quyền, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vĩ, Nghiêm Đa Văn, mỗi lần họp mặt đều nhớ đến thầy Huỳnh Lý và thầy Lê Trí Viễn với lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Ở ĐH Tổng hợp (sau này là ĐH Quốc gia), nhiều cựu sinh viên khoa Lịch sử nhắc lại kỷ niệm đẹp thời đi học với GS Kiều Xuân Bá, người đã mang khí thế sôi nổi của người hiệu đoàn trưởng Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh (Quảng Nam) ra thể hiện ở Đoàn Thanh niên trường ĐH. Có sinh viên ra trường đã lâu vẫn nhớ và thường xuyên đến thăm thầy. Ở khoa Tiếng Việt, tên tuổi GS,NGND Hoàng Trọng Phiến thường được nhắc tới; nhiều người trong khoa kính trọng, coi ông là kẻ sĩ xứ Quảng thời hiện đại. Ở khoa Toán, nhiều sinh viên cũ thường nói đến GS Hoàng Tụy với lòng tôn kính đức tài..

Các Giáo sư Huỳnh Lý và  Lê Trí Viễn
Các Giáo sư Huỳnh Lý và Lê Trí Viễn

Trong khi đó, ở Bộ GD&ĐT và ngành giáo dục thủ đô, những nhà giáo yêu thơ đều cảm phục tấm gương tận tụy của nhà giáo, nhà thơ Trần Thân Mộc, người đã 15 năm liên tục làm Chủ nhiệm CLB thơ Nhà giáo Việt Nam, chủ biên 11 tập thơ Tấm lòng nhà giáo của Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Bộ GD&ĐT, giúp Hội và Bộ 2 lần tổ chức thành công lễ mừng thọ GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu bằng thơ, dịp GS 90 và 95 tuổi. Nhà giáo, nhà thơ Trần Thân Mộc còn giúp Hội tổ chức cuộc thi hồi ký Tôn sư trọng đạo, thu hút hơn 1.000 nhà giáo trên cả nước tham gia.

Ông được cử làm trưởng ban giám khảo và khi cuộc thi kết thúc đã xuất bản ngay cuốn hồi ký của nhiều tác giả mang tên Tôn sư trọng đạo vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012.

Trong ngành giáo dục của thủ đô, các nhà giáo đất Quảng coi Hà Nội là quê hương của mình và đã phục vụ tận tình như: nhà giáo Trần Hiệp (quê thành phố Tam Kỳ), Trưởng phòng Giáo dục Thanh Trì, giáo viên Trường cấp III Việt Ba; nhà giáo Nguyễn Đình An từng phụ trách lớp 10B, lớp mang danh hiệu Nguyễn Văn Trỗi của Trường cấp 3 Hà Nội. Khi đi B, thầy An gặp lại các em Minh, Hải, Thọ - học sinh lớp 10B cũ của mình đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Thật là cảm động và thú vị!

Nhà giáo Phạm Phát kể lại trường hợp em Ninh Thị Ty (học sinh lớp 8B, do thầy làm chủ nhiệm) có hoàn cảnh quá khó khăn định xin nghỉ học, được thầy đến tận nhà bớt chút tiền lương giúp đỡ, động viên thì tiếp tục học, không những học giỏi ở trong nước mà còn ra nước ngoài học tập. 40 năm sau, Ty là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Khi báo tin vui và mời thầy ra dự lễ, Ty còn nhắc lại câu hỏi của thầy năm xưa: “Mặc như thế có lạnh không em?”.

Trong các nhà giáo xứ Quảng tham gia quản lý ngành giáo dục sống và làm việc tại thủ đô, trước hết phải kể đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình (quê Điện Bàn). Từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, năm 1976, bà nhận chức Bộ trưởng Giáo dục và bắt đầu cải cách giáo dục lần thứ ba, làm giáo dục theo kiểu “tay không bắt giặc” vì Chính phủ còn phải lo gạo, lo thuốc cho dân trước…

Thế mà bà đã chỉ đạo xong việc thống nhất hệ thống giáo dục 12 năm trong toàn quốc, hình thành hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non lên đến ĐH và sau ĐH. Bà là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh và được kỳ vọng tiếp nối chủ thuyết “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của ông ngoại. Khi là Phó Chủ tịch nước, bà vẫn tiếp tục ủng hộ và cổ vũ ngành giáo dục tiếp tục đổi mới, phát huy những thành tựu của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba.

Nhà giáo xứ Quảng có 3 người là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, đó là Trần Tống (quê Đại Lộc) - Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp; Nguyễn Văn Hạnh (quê Điện Bàn); Trần Xuân Nhĩ (quê Quế Sơn); đồng thời có nhiều vụ trưởng, chuyên viên cao cấp như: Võ Thị Xuân Lan, Lâm Quang Thiệp, Trần Thân Mộc, Ngô Trần Ái, Nguyễn Nghĩa Dân…

Trong số nhà giáo xứ Quảng ở Hà Nội có hai anh em ruột là NGND Nguyễn Nghĩa Dân và NGƯT Nguyễn Nghĩa Trọng, con trai nhà giáo Nguyễn Quang, cùng làm Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn (ĐH Sư phạm Hà Nội). Cả hai đều là nhà thơ, tham gia CLB thơ Nhà giáo Việt Nam và có mặt trong các tập thơ Tấm lòng nhà giáo nhiều năm qua…

Đến dự buổi họp mặt kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vui mừng được gặp lại GS Kiều Xuân Bá, người thầy giáo cũ của mình năm xưa ở khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội. GS Bá đã 90 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Phát biểu thân mật với cuộc gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội ấn tượng về những hoạt động gắn kết, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống của những người con xứ Quảng, về các hoạt động thiết thực hướng về xây dựng quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng.

“Dù ở cương vị nào, làm việc gì thì các cô bác, các đồng chí, các anh chị cũng tích cực, nhiệt tình đem toàn bộ trí tuệ, tình cảm, sức lực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô, xây dựng đất nước với tinh thần, truyền thống, khí phách của những người con xứ Quảng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.

PHAN LINH DÂN

;
.
.
.
.
.