Mỗi khi vào mùa mưa bão, trên địa bàn Đà Nẵng, nhiều người dân sống trong ngôi nhà không kiên cố lại thắc thỏm, lo âu.
Ngôi nhà chống bão của chị Lê Thị Hoài ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà. |
Trong khuôn khổ Chương trình “Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, nhằm thực hiện chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Đà Nẵng, Quỹ Rockefeller (Mỹ) tài trợ hơn 400.000 USD cho Dự án Nhà ở chống bão. Dự án này do Hội LHPN thành phố chịu trách nhiệm triển khai từ năm 2011 tại 8 phường, xã thuộc 4 quận, huyện dễ bị tổn thương khi có bão, bao gồm: Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà); Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu); Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và Hòa Nhơn, Hòa Phú (huyện Hòa Vang).
Ba năm qua, dự án đã hỗ trợ 320 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, lãi suất 0,65%/năm để xây mới, nâng cấp nhà theo tiêu chí chống bão với kinh phí hơn 7 tỷ đồng.
Yên tâm trong ngôi nhà chống bão
Là một trong những hộ được vay vốn xây nhà từ dự án, chị Trần Thị Kim Thịnh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Bao năm qua, mỗi khi đến mùa mưa bão thì lòng tôi lại thắc thỏm. Tôi nhớ như in cơn bão số 6, ngày 1-10-2006 có sức tàn phá khủng khiếp, dù nhà được chằng chống nhưng từng cơn gió đến thì thót cả ruột gan… Năm 2012, tôi được xét vay 30 triệu đồng, trả trong vòng 45 tháng, để xây nhà theo tiêu chí chống bão mà dự án đề ra. Từ đó, gia đình tôi cảm thấy an tâm hơn trong ngôi nhà chống bão được xây chắc chắn này, đặc biệt trong cơn bão số 11 năm ngoái thì nhà không hề hấn gì”.
Các ngôi nhà chống bão tuân thủ thiết kế mà Công ty Tư vấn kiến trúc miền Trung - đối tác hỗ trợ dự án đề ra. Nổi tiếng với tác phẩm nhà chống bão có chi phí thấp từ năm 2007, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công ty Tư vấn kiến trúc miền Trung - được mời hỗ trợ kỹ thuật xây nhà chống bão.
Theo ông Bình, với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, ông đặc biệt chú trọng nguyên tắc thiết kế sao cho “lực giữ lớn hơn lực phá hoại”. Theo đó, tường ngang và tường dọc kết hợp với hệ thống giằng bố trí hợp lý từ giằng móng, giằng đỉnh tường, giằng trên mái... tạo thành kết cấu đồng nhất, có thể chịu được tác động của gió theo mọi phương.
Cụ thể, để mái không bị tốc thì mái tôn liên kết với xà gồ gỗ bằng đinh vít có tán lớn, với xà gồ thép thì bằng móc sắt, phía trên tấm mái nên chằng giữ. Với ngói, nên sử dụng loại có thể buộc, vít hoặc nẹp cứng vào sườn mái. Với phần thân công trình, sử dụng gạch có độ dày tối thiểu 150mm, xây nằm ngang, bảo đảm liên kết giữa tường ngang với tường dọc đến tận đỉnh tường; đồng thời giằng ở vị trí đỉnh tường, vị trí lanh-tô cửa. Với phần móng, độ sâu đáy móng nên chọn lớn hơn kích thước đáy móng để bảo đảm móng ngàm chặt vào nền đất. “Với thiết kế này, nhà có thể chịu được sức gió trên cấp 12 mà không cần dùng biện pháp neo chằng”, ông Bình khẳng định.
Cần nhân rộng mô hình
Theo báo cáo đánh giá của Hội LHPN, dự án thành công nhờ sự góp sức và phối hợp nghiêm túc của các bên. Trước hết, công tác khảo sát, đánh giá các hộ trong diện được vay vốn từ dự án khá kỹ lưỡng như: thẩm định diện tích nhà ở, khả năng trả nợ...
Trên cơ sở đó, Công ty Tư vấn kiến trúc miền Trung đến từng hộ gia đình tìm hiểu nhu cầu: xây mới hay cải tạo nâng cấp, dự trù chi phí bao nhiêu; từ đó dựa vào từng trường hợp cụ thể để tư vấn, thiết kế phù hợp với tiêu chí chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, Hội LHPN đã được Tổ chức Hội thảo và phát triển Pháp (DWF) tập huấn kỹ năng quản lý hệ thống tín dụng, theo đó xây dựng được 23 nhóm tín dụng tiết kiệm để quản lý hội viên vay vốn. Bộ máy tổ chức của dự án được xây dựng từ thành phố, quận, huyện, xã, phường đến tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm theo địa bàn khu dân cư cùng vận hành trong một hệ thống quản lý chặt chẽ để liên đới chịu trách nhiệm và chịu sự kiểm soát lẫn nhau.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết: “Dự án không chỉ giúp hộ gia đình nghèo có ngôi nhà vững chắc, chống chịu bão lớn mà còn nhiều hơn thế nữa. Đó là tác động tích cực đến từng người dân, từng hộ gia đình trong việc nâng cao ý thức về phòng, chống và đối phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình triển khai dự án cũng đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, truyền thông cộng đồng về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Với thành công trên, bà Lê Thị Mỹ Hạnh khẳng định mặc dù Quỹ Rockefeller đã kết thúc tài trợ, nhưng trong 3 năm tới, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn kiến trúc miền Trung giám sát hỗ trợ kỹ thuật nhà chống bão và giải ngân 3,150 tỷ đồng cho 105 hộ ở 8 xã, phường thuộc dự án giai đoạn 2014-2017, nâng tổng số hộ được hỗ trợ lên 425 hộ. Đồng thời, Hội LHPN sẽ kêu gọi, vận động tài trợ, đề xuất các cấp chính quyền để nhân rộng mô hình nhà chống bão.
Bài và ảnh: HÀ THU