.

Phương châm với Trung Quốc là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh"

.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy trong phần báo cáo giải trình trước phiên chất vấn tại Quốc hội đang diễn ra.

Mở đầu phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, tháng 11-2014, Thủ tướng nêu tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Thị trường bất động sản có bước phục hồi.

Đáng lưu ý, Thủ tướng nêu cả năm nay, lạm phát sẽ tăng khoảng dưới 3%... GDP phấn đấu năm 2014 sẽ trên 5,8%.

Thời gian tới, Thủ tướng nêu Chính phủ sẽ tập trung điều hành cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường quản lý tài nguyên, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

Về nợ công, Thủ tướng khẳng định nợ công là vấn đề hệ trọng quốc gia và nêu các lý do: ảnh hưởng khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế toàn cầu, yếu kém nội tại, tăng trưởng của Việt Nam chậm lại.

VN chủ trương giảm thu, tăng chi cho đảm bảo an sinh xã hội. Trong khi đó, nhu cầu chi tăng mạnh để chi lương, tăng lương, tăng cường quốc phòng an ninh, chi trả nợ...

Chi thường xuyên cũng tăng, trong đó chi cho con người tăng, chi an sinh xã hội tăng 18%/năm. 

Để đảm bảo ổn định vĩ mô, Thủ tướng nêu Đảng Nhà nước chủ động tăng vay, chú trọng tăng vay trong nước.

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc

Đại biểu Thích Thanh Quyết đặt câu hỏi: Cả dân tộc, hoặc nói ra hoặc không nói ra, mọi người dân Việt Nam đều thấu hiểu, thấm thía cái giá của hòa bình, ổn định. Từ khi Trung Quốc rút Giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết, đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân là một tín hiệu rất tốt trong vượng khí của nước nhà. Song, cử tri muốn được nghe từ kim khẩu của Thủ tướng cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất, súc tích, đầy đủ nhất.

Thủ tướng trả lời: Đối với Trung Quốc hay với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua năm 2013 thì toàn bộ đường lối đối ngoại nêu rõ tại Điều 12, đó là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Thực hiện các Hiến chương Liên Hợp quốc, thực hiện các cam kết, công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên; hợp tác vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tích cực đóng góp cho hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ trên thế giới.

Trên cơ sở quán triệt đường lối chung đó, đối với Trung Quốc hay bất cứ nước nào cũng trên cơ sở đó.

Còn đối với ta và Trung Quốc là láng giềng. Dù mưa nắng hay bão gió gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn, Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, thịnh vượng, thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm “16 chữ” và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nươc. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành  hợp tác để giải quyết bất đồng về vấn đề biên giới và trên biển theo luật pháp quốc tế.

Chúng ta cũng mong muốn hai bên làm hết sức mình vì hòa bình, thịnh vượng. Tinh thần chung là thực hiện nhất quán như vậy.

Về yêu cầu của đại biểu là Thủ tướng nói ngắn, đầy đủ, dễ nhớ, dễ hiểu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, đây là vấn đề khó. Nhưng tôi xin trình bày khái quá 6 chữ: “Vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Tôi nghĩ phương châm này không phải chỉ với Trung Quốc mà với các nước trên thế giới để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước.

"Ngay khi giàn khoan HD 981 chưa rút, Trung Quốc đã thực hiện xây dựng các đảo, sân bay, biến đảo Đá Chìm thành lãnh thổ trên các đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa củu Việt Nam. Đó là kế sách không đánh mà thắng nhằm độc chiếm Biển Đông. Cử tri cả nước đặc biệt quan tâm đến tình hình trên, mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ sẽ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?", đại biểu Lê Nam chất vấn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19-11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19-11

Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đều biết, đảo Gạc Ma và một số đảo trong Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế đó, chúng ta cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông ( gọi tắt là DOC). Các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết.

Còn việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo chữ Thập là bồi lấp thành đảo lớn nhất, khoảng 49 ha, lớn hơn đảo Ba Bình. Thưa các vị đại biểu, lập trường của chúng ta là phản đối điều này, vì hành động này đã vi phạm điều 5 của Tuyên bố DOC.  Lập trường này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường này.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi đã phát biểu lập trường này ở các Hội nghị (Hội nghị cấp cao Đông Á, ASEAN+3, ASEAN – Liên Hợp Quốc…).  Việc này cũng đã công khai, chúng ta bày tỏ rõ lập trường của chúng ta.

Quang cảnh nghị trường phiên trả lời chất vấn chiều 19-11 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Quang cảnh nghị trường phiên trả lời chất vấn chiều 19-11 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn

Nhắc lại việc Quốc hội đã quy định trần nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, Thủ tướng nêu nợ công đã tăng nhanh từ 51,7% năm 2010 và cuối 2015 sẽ lên 64% GDP nhưng khẳng định mức nợ này vẫn trong giới hạn an toàn cho phép (theo quy định Quốc hội).

Việt Nam đã thành nước có thu nhập trung bình nên vay ODA lãi suất thấp, thời hạn dài giảm, nên Chính phủ đã tăng vay trong nước.

Do chỉ số giá tăng, nên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn. Việt Nam đã trả nợ đúng hạn.

Trong điều kiện vĩ mô ổn định, Thủ tướng công nhận có đảo nợ, nhưng là vay mới có lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn và điều này không làm tăng số nợ công, vẫn phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng công nhận nợ công đã sát trần cho phép, tình trạng tham nhũng lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP giảm, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi cao đã gây lo lắng, bức xúc xã hội. Nếu chủ quan, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia.

Thời gian tới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Sẽ quản lý chặt nợ công, nhất là khoản vay mới.

Thủ tướng nêu sẽ kiểm soát chặt nợ doanh nghiệp nhà nước; nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng quan trọng, trong quy hoạch. Sẽ chủ động ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực. Đồng thời, khẩn trương cơ cấu lại nợ công, các khoản vay mới chủ yếu sẽ phải từ 5 năm trở lên...

Thủ tướng khẳng định nợ công dự kiến năm 2016 sẽ đạt mức cao nhất là 64,9%, các năm sau sẽ giảm dần, đến 2020 sẽ chỉ còn 60,2% GDP.

Thủ tướng công nhận hầu hết đánh giá môi trường kinh doanh của VN đều dưới mức trung bình. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới 2013 cũng xếp VN đứng thứ 99, nhiều chỉ số rất thấp, như tiếp cận điện năng thứ 155, nộp thuế thứ 138...

Cải thiện môi trường kinh doanh, giảm nghèo

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết. Ngay năm 2014 đưa doanh nghiệp kê khai thuế điện tử từ 65 lên 95%, thời gian nộp thuế giảm còn 247 giờ/năm. Phấn đấu 2015 thời gian thông quan giảm từ 21 ngày, còn 13-14 ngày. Thời gian nộp bảo hiểm giảm 100 giờ.

Về giảm nghèo nhanh, bền vững, Thủ tướng nêu nhiều chính sách còn trùng lặp, tổ chức hiệu quả chưa cao, chưa đủ nguồn lực thực hiện chính sách đề ra, kết quả giảm nghèo chưa bền vững... Có huyện vẫn 60-70% hộ nghèo.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ hạn chế những yếu kém, điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Sẽ chú trọng giải pháp hỗ trợ để người nghèo vươn lên, đưa chính sách đặc thù để giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sẽ nghiên cứu nâng mức khoán trong bảo vệ, trồng rừng...

Theo Tuổi trẻ/VOV

;
.
.
.
.
.
.