Dư luận tại Đà Nẵng cũng như một số địa phương trên cả nước đang bàn tán xôn xao về câu chuyện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường tại các khu dân cư.
Hoang mang, lo lắng và mong chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng là tâm trạng chung của nhiều người hiện nay. Rõ ràng, sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ là có thật. Khi cơ quan chức năng cho rằng vẫn chỉ nghe qua… tin đồn thì thông tin, hình ảnh về rắn lục ở khắp các ngõ ngách trong thành phố được đăng tải, cập nhật liên tục và trở thành chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội. Hôm qua (24-11), lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra thực tế và báo cáo để có hướng xử lý.
Tuy nhiên, trong số hàng ngàn lượt quan tâm, chia sẻ, bình luận về câu chuyện chưa có hồi kết này có rất nhiều người đã cung cấp thông tin một cách thái quá, không đúng sự thật, hoặc theo kiểu “một đồn mười, mười đồn trăm”. Hậu quả là nhiều người hốt hoảng, ăn ngủ không yên, lo cho an toàn của người thân và bối rối tìm đủ mọi cách phòng tránh.
Kể cả chuyện sơ cứu khi bị rắn cắn cũng mỗi người chỉ một nẻo. Nhiều thành viên cộng đồng mạng chia sẻ cách sơ cứu cần thiết là cột ga-rô; nhưng thực tế, rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm có độc tố gây rối loạn đông máu, xuất huyết và khi ga-rô sẽ làm cho quá trình hoại tử diễn ra nhanh chóng hơn. Chính cách chuyển tải thông tin một cách vô trách nhiệm này đã vô tình gây hại cho nhiều người nếu họ bắt chước, làm theo.
Nói điều đó để thấy rằng, sự bùng nổ Internet cùng các ứng dụng trên các trang tin, mạng xã hội như blog, facebook, twitter… giúp mọi người tiếp cận được thông tin một cách sâu rộng, đa chiều và có sự tương tác một cách rõ nét.
Báo chí hiện nay cũng xem các mạng xã hội là một nguồn tin hết sức nhanh nhạy. Đã có rất nhiều câu chuyện lan truyền trên mạng Internet tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, tác động tích cực đến bộ mặt của xã hội. Tuy nhiên, chính sự “cởi mở” trong cách chuyển tải, tiếp cận thông tin của các ứng dụng này và sự quản lý có phần lỏng lẻo của cơ quan chức năng đã gây ra tình trạng “nhiễu” thông tin, vô tình làm hại chính những người đang thừa hưởng tiện ích từ nó.
Từ đó, thông tin không chính thống, không được kiểm tra, kiểm duyệt… lan truyền theo cấp số nhân và biến hóa khôn lường. Người tiếp nhận thông tin sẽ bị nhiễu loạn, hoang mang, nếu không bình tĩnh soi xét thì hậu quả không biết đến mức nào. Không ít trường hợp phải dính vào vòng lao lý chỉ vì những trò đùa quá lố trên Internet.
Trước tình hình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua liên tục mạnh tay xử lý, với việc xử phạt hành chính, thậm chí đóng cửa một số trang tin cung cấp, xuất bản thông tin không được kiểm duyệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước.
Đây chính là những lời cảnh báo để mang lại hiệu quả tốt hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý thông tin trên môi trường mạng; đồng thời là lời nhắc nhở cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng mạng trong việc chuyển tải thông tin. Với sự phát triển của Internet hiện nay, mỗi thành viên trong thế giới ảo đều có vai trò quan trọng trong việc đi tìm giá trị thực của thông tin.
Không nên đánh đồng, xuyên tạc, suy diễn từ ý kiến chủ quan, bởi hậu quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ xem các tin đồn lan truyền trên cộng đồng mạng chỉ là thông tin vô bổ, thiếu kiểm chứng để rồi thiếu kiểm tra, xử lý, nhắc nhở một cách kịp thời, để thông tin bị đẩy đi quá xa, bị lợi dụng… ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trên thực tế.
PHAN CHUNG