Tiếp thu ý kiến đại biểu, việc điều chỉnh tiền lương đã được đưa vào nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua với 88,13% số phiếu thuận trong phiên họp chiều 10-11.
Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2014 sang năm 2015 là 10.000 tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn của ngân sách Trung ương dành để cải cách tiền lương. |
Cụ thể, Quốc hội quyết định thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1-1-2015.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc bổ sung nội dung này vào nghị quyết đã được sự thống nhất của Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, việc điều chỉnh này giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo là gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2014 sang năm 2015 là 10.000 tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn của ngân sách Trung ương dành để cải cách tiền lương.
Tiêp thu ý kiến của đại biểu, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 đã bố trí 1.700 tỷ đồng thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho khoảng 550.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người nghèo, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, báo cáo nêu rõ.
Theo nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu tiếp theo được nêu tại nghị quyết là thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.
Yêu cầu tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65%GDP) cũng được Quốc hội đặt ra tại nghị quyết.
Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.
Đa số đại biểu đã tán thành tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng, nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng và mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.
Với 89,54% phiếu thuận, chỉ có một vị đại biểu không tán thành, chiều 10-11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu được quyết định cho năm sau là GDP tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.... |
VnEconomy