.

Quốc hội thông qua 5 luật liên quan đến doanh nghiệp

* Quy định chặt chẽ trách nhiệm của kiểm toán viên

Ngày 26-11, Quốc hội thông qua 5 đạo luật quan trọng  là Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).  

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (có hiệu lực từ 1-7-2015) quy định rõ về các vấn đề liên quan đến việc đầu tư, bổ sung vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng như ở công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên, mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Cùng với đó là các cơ chế về vốn, huy động vốn, thẩm quyền về vốn, quyết định đầu tư, quản lý nợ, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn tại doanh nghiệp.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016. Sau nhiều ý kiến thảo luận, Quốc hội đã quyết định chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, mặt hàng kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin, nước ngọt có gaz vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, tăng mức thuế suất theo lộ trình đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino; giảm thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học.

Điểm mới nhất của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật). Điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

* Sáng 26-11, tham gia thảo luận ở hội trường về Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị cần rút ngắn thời gian một lần kiểm toán là 45 ngày thay vì trước đây đề nghị 60 ngày. Cần giảm bớt khó khăn cho đơn vị kiểm toán, tăng khoảng cách kiểm toán 2 năm lên 3 năm một lần, nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ của các đơn vị thuộc đối tượng kiểm toán.

ĐB đề nghị sửa lại Điều 3 theo hướng, quy định mục đích kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhằm báo cáo hoặc đưa ra ý kiến đánh giá, xác định tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo gồm cả công ty tài chính và báo cáo tài chính việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công và nguồn lực thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước. Quy định như vậy nhằm khẳng định cụ thể tài sản công, các nguồn lực thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước cần phải được giám sát thông qua hoạt động kiểm toán.

Về giá trị của báo cáo kiểm toán quy định tại Điều 8, ĐB Thân Đức Nam đề nghị tại khoản 1 Điều 8 cần làm rõ trường hợp báo cáo kiểm toán không đúng đắn, không trung thực hoặc chỉ trung thực, hợp lý từng phần thì sẽ được thực hiện như thế nào. Đồng thời, nên xem xét lại nội dung quy định tại khoản 3 điều này, vì dễ dẫn đến cách hiểu Kiểm toán Nhà nước không có trách nhiệm gì về các kết luận, kiến nghị của họ; nên quy định cụ thể theo hướng ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán đối với kết luận của họ.

Cần quy định trách nhiệm của kiểm toán viên theo hướng, nếu sau này phát hiện những nội dung đã được kiểm toán mà có sai phạm thì xử lý ra sao. Theo ĐB, dự thảo luật quy định quyền của kiểm toán viên và cơ quan kiểm toán thì nhiều, nhưng trách nhiệm kết quả kiểm toán thì quá nhẹ nhàng, không tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ.

Về các đơn vị được kiểm toán theo quy định khoản 10 Điều 68, ĐB Thân Đức Nam đề nghị cân nhắc lại quy định đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, vì như vậy thì đối tượng kiểm toán rất rộng, cần có số lượng kiểm toán viên tăng hơn hiện nay mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định về sự phối hợp của cơ quan kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập, cơ quan thuế, cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra trong việc kiểm tra các khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước của các đối tượng này nhằm tránh sự chồng chéo, gây phiền hà.

Chinhphu.vn - PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.