.

Tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản pháp luật

.

Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (VBPL) và dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT-SGK).

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất với tên gọi là Luật Ban hành VBPL, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. ĐB Huỳnh Nghĩa thống nhất với đề nghị của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dự thảo luật chỉ nên quy định về ban hành các VBPL có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức.

Đối với các loại VBPL khác như việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án Nhân dân được thực hiện theo các luật, bộ luật tố tụng; các VBPL là quyết định hành chính của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được điều chỉnh cụ thể trong Luật Ban hành quyết định hành chính đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Theo ĐB, dự thảo luật đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. ĐB cho rằng, việc tách quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, trong đó, tập trung làm tốt việc phân tích, đề xuất xây dựng, thông qua chính sách là một sự đổi mới hết sức cần thiết và thực sự là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng của VBPL, bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để thiết kế chương trình xây dựng chính sách hợp lý thì quy trình xây dựng chính sách phải được tách riêng với quy trình soạn thảo VBPL. Theo đó, sau khi phê duyệt chính sách mới tiến hành soạn thảo VBPL.

Về hệ thống VBPL (Điều 3), ĐB thống nhất với phương án 1 của dự thảo, không quy định thẩm quyền ban hành VBPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã, vì nhu cầu ban hành VBPL của 2 cấp này không lớn, hơn nữa VBPL được ban hành chủ yếu là sao chép lại VBPL của cấp trên. Theo ĐB, cả nước có hơn 700 huyện và hơn 11.000 xã, phường, thị trấn nên nếu tiếp tục cho ban hành sẽ làm hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc, khó kiểm soát từ cơ quan Trung ương, gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận những vấn đề có liên quan.

Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) tán thành việc không giao Chính phủ ban hành nghị định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

Theo ĐB thì trong thời điểm hiện nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh để bảo đảm giải quyết những vấn đề này một cách kịp thời. Về hội đồng tư vấn chính sách pháp luật tại khoản 1 Điều 30, ĐB cho rằng quy định này chưa rõ ràng. Đây có phải là cơ quan hoạt động thường xuyên không, các thành viên có hoạt động chuyên trách theo nhiệm kỳ cố định không, nhiệm vụ quyền hạn cơ quan này liệu có trùng lặp, chồng chéo với Bộ Tư pháp không…; những vấn đề này đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ.

Về nghị quyết đổi mới CT-SGK, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng đây là một trong những thành tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, để có chất lượng giáo dục phổ thông thực chất thì rất cần bảo đảm các thành tố khác như môi trường xã hội, mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục, điều kiện đầu tư, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý, cơ chế quản lý... Vì vậy, không được tách vấn đề SGK ra khỏi những vấn đề liên quan đến sự nghiệp GDĐT, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông.

Theo ĐB, CT- SGK của nền giáo dục trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN phải bảo đảm thể hiện những đường lối quan điểm của Đảng, theo đúng Luật Giáo dục và đặt dưới sự quản lý của Nhà nước, phải thể hiện được tính chất giáo dục, khoa học, thực tiễn, phù hợp với đối tượng; ngoài phần “cứng” mang tính thống nhất cần chú ý đến những nội dung bổ sung và thay đổi cần thiết trước yêu cầu của tình hình thực tiễn hay đặc điểm vùng miền, địa phương.

Do đó, nội dung CT-SGK phải được coi như yêu cầu cần thiết, bắt buộc mang tính pháp lý đối với việc giảng dạy của trường phổ thông. Việc xây dựng và thực hiện hoạt động giáo dục theo CT- SGK là một công việc mang tính tổng thể, tổng hợp qua một hệ thống và quá trình gồm nhiều cấp độ, phân đoạn, công đoạn. Vì vậy, việc xây dựng CT-SGK cần được tổ chức một cách khoa học, có sự phân chia rõ ràng trong tổ chức thực hiện, tránh ngồi nhầm chỗ, làm nhầm việc, ôm đồm hoặc đùn đẩy, chồng chéo hay bỏ sót.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tán thành chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhưng phải làm cho chặt chẽ. Muốn làm được điều này cần có chương trình chi tiết, giáo viên có quyền tự quyết cao và tự chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình; nhà trường thì phải có tiền để mua sách đưa vào thư viện cho học sinh sử dụng.

ĐB đề nghị cân nhắc việc Bộ GD-ĐT làm sách giáo khoa, vì nếu bộ làm mà các trường không dùng thì sẽ tốn tiền của Nhà nước. Việc bán đấu giá bộ sách giáo khoa chuẩn của Bộ GD-ĐT cho các nhà xuất bản cũng nên cân nhắc, vì nhất định sẽ làm tăng giá sách giáo khoa, gây khó khăn cho con em nhà nghèo. ĐB đề nghị không nên dùng ngân sách Nhà nước làm sách giáo khoa. Bộ GD-ĐT nên đứng ngoài việc biên soạn sách để bảo đảm tính khách quan...

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.