Ngày 15-11, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ đổi mới”.
Tham dự có các đồng chí: PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cùng các nhà khoa học và đại diện các cơ quan, ban, ngành thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh: Thông tin đối ngoại là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng. Vì vậy, những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 10-9-2008 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”.
Ngoài ra, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ về cả nội dung và phương thức hoạt động, chú trọng đổi mới phương thức thực hiện công tác thông tin đối ngoại theo hướng linh hoạt hơn, thiết thực hơn…
Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung phát huy vai trò chủ công của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Đặc biệt, Báo Đà Nẵng, từ hơn 5 năm nay, ngoài số báo xuất bản hằng ngày, báo cuối tuần, đã duy trì được Báo Đà Nẵng điện tử phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh “Danang Today”, phát huy được lợi thế tuyên truyền đối ngoại, cả ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Tại hội thảo, trên 20 tham luận đã tập trung làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác thông tin đối ngoại thời gian qua. Các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đã cùng nhau chia sẻ ý kiến nhằm chỉ ra thực trạng hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ta nói chung, thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung nói riêng, làm rõ vai trò và ý nghĩa của thông tin đối ngoại trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Từ đó, các ý kiến đề xuất những biện pháp và lộ trình cụ thể xây dựng những phương thức mới với nội dung và mô hình truyền thông khả thi để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới, làm cho người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ tích cực sự nghiệp đổi mới, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống đối, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật: Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và toàn diện; thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia; quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ; trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc...
Hội thảo cũng đã tập trung phân tích, so với yêu cầu của tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng và thành tựu của đất nước sau gần 30 năm đổi mới. Hoạt động quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động giao lưu được tổ chức nhân dịp những ngày lễ lớn và những hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam... tuy đã phát triển nhiều trong những năm gần đây, với sự tham gia ngày càng rộng rãi của các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội, cá nhân nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng thông tin đối ngoại có lúc còn bị động, chưa bài bản, sáng tạo, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nội dung tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng ở địa bàn ngoài nước và cả những người nước ngoài ở Việt Nam. Thông tin đối nội và đối ngoại vẫn chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng; thông tin còn chậm, có lúc thiếu nhất quán. Công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch có lúc chưa kịp thời, còn ít về số lượng, chưa có sức thuyết phục cao về lý luận và thực tiễn...
Theo PGS,TS Nguyễn Hữu Cát, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học “Đổi mới phương thức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới”, cần có những đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại; tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị nêu trong các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các văn bản liên quan đến công tác thông tin đối ngoại để định hướng hoạt động thông tin đối ngoại thiết thực, kịp thời.
Thông tin đối ngoại phải phục vụ đắc lực và hiệu quả cho việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Thông tin đối ngoại cần phải xác định tầm quan trọng, vai trò của từng nhóm đối tượng.
Tập trung xây dựng lực lượng chủ lực, chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại đủ mạnh về cán bộ và phương tiện để chuyển tải nhanh chóng, chính xác với chất lượng cao ra bên ngoài. Cần nhanh chóng hình thành sự quản lý thống nhất về mặt Nhà nước các hoạt động thông tin đối ngoại, củng cố các tổ chức bộ máy của các lực lượng chủ chốt và chuyên trách làm thông tin đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương.
Kết luận hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý đánh giá, thông qua hội thảo này đã huy động được nhiều trí tuệ tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền đối ngoại ở cấp Trung ương và thành phố Đà Nẵng. Những đề xuất, kiến nghị, Ban tổ chức ghi nhận và tổng hợp lại đầy đủ để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài.
TRỌNG HÙNG