.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đi vào chiều sâu

.

* Tuyên bố chung về hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 25-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thành phố Sochi. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hội kiến Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev – Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng TTXVN
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tại Khu dinh thự của Tổng thống ở Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành hội đàm đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua, trong đó có việc rà soát thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tiến độ triển khai các dự án lớn giữa hai nước; trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi phương diện, từ chính trị đến kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân, an ninh, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác; thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương hai nước; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, phối hợp hành động giữa hai nước trên trường quốc tế; trao đổi về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Với những nội dung tại cuộc hội đàm này, hai nhà lãnh đạo mong muốn tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, tăng cường chất lượng và hiệu quả hợp tác song phương, đóng góp thiết thực vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Trước đó, sáng 25-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nga, đồng thời là Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất” Dmitry Medvedev.

Thủ tướng Dmitry Medvedev bày tỏ vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Liên bang Nga; đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga lên tầm cao mới, là dịp để hai nước tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng “Nước Nga Thống nhất” cầm quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và nhân dân Nga về sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo và mến khách, với tình cảm chân thành của những người bạn thân thiết dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Đảng “Nước Nga Thống nhất.”

Trong bầu không khí cởi mở, chân thành và tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ những đánh giá, nhận định về quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai Đảng trong thời gian qua. Đặc biệt từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012 và hai Đảng thiết lập quan hệ chính thức vào năm 2002, quan hệ Việt Nam-Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Medvedev nhất trí giao cho các cơ quan chuyên môn của hai bên xem xét đề xuất thời gian giải quyết các đề nghị liên quan.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đã có nhiều sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; cho rằng vấn đề này cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Medvedev nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

● Ngày 25-11, tại thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra Hội nghị cấp cao Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 (CLV-8) với sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Điều phối chung trong triển khai “Quy hoạch tổng thể điều chỉnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tới năm 2020”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Thủ tướng ba nước giao Ủy ban điều phối chung nhanh chóng xây dựng đề án kết nối ba nền kinh tế để trình lên Hội nghị cấp cao CLV-9 (2016); đồng thời, tiếp tục triển khai những kết nối hiện có và những kết nối mới có đủ điều kiện.

Để triển khai các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của ba nước, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng và chế biến cao su, cà-phê; đầu tư phát triển điện lực, viễn thông; du lịch... Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng ba nước nhanh chóng hoàn thiện hiệp định về xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực Tam giác phát triển CLV như đã thống nhất tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân qua biên giới, cần từng bước nâng cấp các cặp cửa khẩu, phối hợp triển khai mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng vào năm 2015; ký kết các thỏa thuận (MOU) về thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới (CBTA) trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng. Thủ tướng cũng đề nghị tập trung thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch phát triển đến năm 2020; phấn đấu duy trì tăng trưởng GDP (của 13 tỉnh khu vực tam giác phát triển CLV) đạt mức 10%/năm và mức GDP đầu người là 1.500-1.600 USD năm 2015.

Hoan nghênh việc Ủy ban điều phối chung đã xây dựng được danh mục các dự án đầu tư ưu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án này cần tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng thương mại như các khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, phát triển nguồn nhân lực để tạo nguồn cung lao động cho các cơ sở sản xuất tại địa phương và cải thiện cuộc sống của người dân, đồng thời cần cải tiến việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy đầu tư...

Thủ tướng cũng đề nghị 3 nước phối hợp, hợp tác trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp; quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực tam giác phát triển; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề về an ninh tại khu vực biên giới…

Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc nâng cấp và mở rộng khuôn khổ hợp tác tam giác phát triển CLV và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng đề án về kết nối kinh tế ba nước để trình lên Hội nghị cấp cao CLV-9.

Hội nghị cũng thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác như xây dựng danh sách các dự án hợp tác ưu tiên trong khu vực tam giác phát triển để vận động đầu tư từ các đối tác phát triển; nghiên cứu hình thành thỏa thuận giữa ba nước về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực tam giác phát triển CLV trên cơ sở kết hợp các thỏa thuận song phương và đa phương hiện có; xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực tam giác phát triển...

Kết thúc hội nghị, ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác khu vực tam giác phát triển CLV và thống nhất tổ chức Hội nghị cấp cao CLV-9 tại Vương quốc Campuchia vào năm 2016.

B.T (Theo Vietnamplus.vn, VOV.vn)

;
.
.
.
.
.