.

Thực hiện tốt chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

Chiều 25-11, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo sơ kết Thông báo kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) Việt Nam” do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Thông báo 292-TB/TW, Trưởng Đoàn khảo sát dẫn đầu, có buổi làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, chế độ của Nhà nước đối với NNCĐDC. Quỹ giúp đỡ NNCĐDC thành phố đã vận động hơn 45 tỷ đồng, tạo điều kiện giúp đỡ, chăm sóc hàng ngàn nạn nhân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực; hỗ trợ xây dựng 3 cơ sở bán trú thuộc Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 6.186 người khuyết tật nói chung được trợ cấp bảo trợ xã hội, trong đó có 867 người là nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC.

Đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐDC, được thực hiện theo chính sách người có công cách mạng với 2.275 người được hưởng trợ cấp hằng tháng, kinh phí 2,8 tỷ đồng/năm (trong đó người trực tiếp hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC là 1.684 người, con đẻ người hoạt động kháng chiến là 591 người). Ngoài ra, các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập bằng các nguồn viện trợ phi chính phủ đã tổ chức nuôi dưỡng trên 500 trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều em do di chứng CĐDC.

Tuy nhiên, việc ban hành các chế độ, chính sách cho NNCĐDC vẫn còn bất cập, mức trợ cấp còn thấp, thủ tục xét hưởng trợ cấp còn phức tạp, còn nhiều nạn nhân bị hậu quả CĐDC nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Đến nay, vẫn chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho những người đã và đang công tác, sinh sống ở các vùng bị phun rải chất độc hóa học trước đây bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật hoặc có nguy cơ cao nhiễm chất độc da cam sau 30-4-1975, kể cả các hộ dân đang sinh sống ở các vùng được xác định là “điểm nóng”; chưa có chế độ trợ cấp cho thế hệ cháu, chắt của NNCĐDC.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cùng các ngành chức năng của thành phố kiến nghị với Đoàn khảo sát về việc nâng mức hỗ trợ cho các NNCĐDC có tham gia kháng chiến; sớm có chính sách hỗ trợ cho những người đã và đang công tác, sinh sống ở các vùng bị phun rải chất độc hóa học trước đây bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật... ; đề nghị tiếp tục có chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể hơn đối với nhiệm vụ giải quyết hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc giúp đỡ NNCĐDC và chỉ đạo hoạt động hội; hướng dẫn thống nhất tiêu chí để công nhận NNCĐDC; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020…

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.