.

Trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội

.

Sau hai năm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020) đi vào cuộc sống với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với trước khi có Nghị quyết 21-NQ/TW.

Bệnh nhân tham gia BHYT được sử dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật cao trong điều trị bệnh do BHYT chi trả.
Bệnh nhân tham gia BHYT được sử dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật cao trong điều trị bệnh do BHYT chi trả.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Với nhận thức BHXH, BHYT và BHTN là trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW, Thành ủy đã triển khai Chương trình hành động số 26-CTr/TU và UBND thành phố đã ban hành các quyết định thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Các văn bản này được triển khai quán triệt đến tất cả cán bộ chủ chốt của thành phố, các sở, ban, ngành, quận huyện, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp. Cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW, Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND thành phố được các cấp, các ngành, Mặt trận và đoàn thể triển khai công tác phổ biến nghị quyết, chính sách và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến tận tổ dân phố, đến từng cán bộ, công chức, viên chức người lao động (NLĐ) khu vực công và đến các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động và NLĐ khu vực tư nhân.

Cùng với công tác chỉ đạo thực hiện tuyên truyền và vận động tham gia BHXH, BHTN, BHYT, UBND thành phố đã chỉ đạo đưa công tác vận động tham gia BHYT học sinh-sinh viên vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm của các tập thể và cá nhân liên quan. Trong năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát chuyên đề tại 8 phường, xã về việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo. Hoạt động giám sát nhằm bảo đảm chính sách BHYT đến được với người nghèo và mục tiêu đạt BHYT toàn dân của thành phố.

Tại quận Thanh Khê, Quận ủy đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu cụ thể cao hơn mục tiêu của cả nước: Phấn đấu đến năm 2020, quận đạt tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH là 65%, BHTN đạt 50%, BHYT toàn dân đạt 99%. Để đạt được chỉ tiêu này, Quận ủy, UBND quận quyết liệt trong công tác chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức trong người dân, người sử dụng LĐ và NLĐ về vai trò và ý nghĩa của BHXH, BHTN, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia.

Hằng năm, UBND quận Thanh Khê giao chỉ tiêu vận động tham gia BHYT tự nguyện cho các phường, giao chỉ tiêu BHYT học sinh cho các trường học và mức giao năm sau đều cao hơn năm trước. Hằng năm, UBND quận phối hợp cùng cơ quan BHXH quận tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành đốc thúc các đơn vị né tránh, đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Ông Nguyễn Tấn Dinh, Giám đốc BHXH quận Thanh Khê cho hay: Trong nhiều năm liền, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn quận liên tục tăng. Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào cuộc sống tiếp tục tạo ra đột phá mạnh trong công tác này. Trong 5 năm (2009-2013) tổng thu BHXH, BHYT  trên địa bàn quận đạt gần 821 tỷ, tăng 296% so với 5 năm trước đó.

Tại quận Hải Châu, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng LĐ đã có những chuyển biến tích cực. Đầu tháng 3-2014, UBND quận Hải Châu đã ban hành kế hoạch số 60/QĐ-UBND đề ra chỉ tiêu hằng năm về BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2014-2020 tăng dần với mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ tham gia BHXH trên 70%, BHTN trên 50%, BHYT toàn dân trên 98%. Quận cũng triển khai thí điểm xây dựng 2 phường (Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây) đạt tỷ lệ BHYT toàn dân 100% và 2 phường (Nam Dương, Bình Hiên) không có đơn vị sử dụng lao động đóng trên địa bàn phường nợ đọng BHXH, BHYT.  

Những chuyển biến tích cực

Đưa Nghị quyết 21 đi vào cuộc sống, cơ quan BHXH thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố và công tác kiểm tra, giám sát. Ngành BHXH, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành Y tế thành phố thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Hệ thống phát hành thẻ BHYT được mở rộng và phong phú dưới nhiều hình thức tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia, bước đầu hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố đã có chính sách đặc thù hỗ trợ người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh BHYT nâng cao chất lượng KCB như hỗ trợ bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo, Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ người nghèo mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. Thể hiện sự quyết tâm nâng cao chất lượng KCB phục vụ bệnh nhân có thẻ BHYT, các bệnh viện công lập và bệnh viện tư đã đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị y tế tiên tiến hiện đại, đầu tư nguồn nhân lực và triển khai nhiều kỹ thuật mới, rút ngắn quy trình KCB, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, giữ gìn y đức bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Ngành BHXH phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức đấu thầu thuốc chữa bệnh, xây dựng danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế cho các cơ sở KCB và chi trả kịp thời và hợp lý. Ngành Y tế thành phố cũng thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và tăng cường quản lý hoạt động KCB, phối hợp với ngành BHXH tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi từ chính sách BHYT. Đến nay, độ bao phủ BHYT toàn dân của thành phố đã đạt 91%.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, Ngành BHXH thành phố đã chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ liên quan đến BHXH, BHTN, BHYT cho các đối tượng tham gia. Trong năm 2013 và 10 tháng năm 2014, ngành BHXH thành phố đã chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền trên 5 ngàn tỷ đồng. Ngành BHXH thành phố chú trọng xây dựng đội ngũ CBCCVC vừa “hồng”  vừa “chuyên” theo 5 chuẩn mực đạo đức của BHXH Việt Nam.

Trong những năm gần đây, BHXH Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC nhằm phục vụ tốt đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. BHXH thành phố từng bước thực hiện phân cấp quản lý cho BHXH các quận, huyện nhằm tạo sự thuận lợi và giải quyết tốt nhất BHXH cho các đối tượng. BHXH thành phố đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra  phát hiện và khắc phục những yếu kém, hạn chế nhằm quản lý tốt Quỹ BHXH, BHYT nên không để xảy ra bội chi trong năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014.

Theo báo cáo đánh giá của thành phố, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Nhận thức về công tác BHXH, BHYT có chuyển biến theo hướng tích cực trong chủ sử dụng lao động, NLĐ và các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian đến, còn nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của thành phố. Trọng tâm là lấy kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó các chỉ tiêu gia tăng về tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, chỉ tiêu hạn chế nợ đọng, chỉ tiêu nâng cao chất lượng KCB có BHYT phải trở thành những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Tổng thu và phát triển đối tượng đều tăng

- Năm 2013, tổng thu BHXH, BHTN, BHYT là 2.550,8 tỷ đồng đạt 105,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 21,2% so với năm trước.

- Tổng thu trong 10 tháng đầu năm 2014 là 2.324,1 tỷ đồng, đạt 80,48% kế hoạch giao, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

- Năm 2013 khai thác mới 527 đơn vị với 5.537 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 253 người tham gia BHXH tự nguyện; 106.115 người tham gia BHYT tự nguyện.

- Trong 10 tháng đầu năm 2014 khai thác mới là 552 đơn vị với 5.210 lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 200 người tham gia BHXH tự nguyện; 99.755 người tham gia BHYT tự nguyện.

Bài và ảnh: NGUYỄN TÂN

;
.
.
.
.
.