.

Vẫn bước nhịp quân hành

.

Được Đại tá Đặng Đức Hiển, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Thanh Khê giới thiệu, tôi đến phường An Khê (quận Thanh Khê) tìm hiểu về hoạt động công tác hội của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Quảng.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quảng
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quảng

Trong căn nhà rợp bóng cây xanh trên đường Nguyễn Phước Nguyên, CCB Nguyễn Xuân Quảng ôn tồn chia sẻ những kỷ niệm từ khi rời quân ngũ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Quảng, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 282 (Sư đoàn 375) về hưu từ tháng 5-2009. Đầu năm 2010, ông bắt đầu tham gia công tác CCB. Những tưởng hết cảnh “cơm tập thể, giường cá nhân”, ông có thể giúp đỡ vợ con chăm sóc gia đình, nhưng rồi đời lính của ông mở sang trang mới. Chân ông vẫn bước theo nhịp quân hành.

Trở về địa phương, nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội CCB Đông Xuân 1 (Hội CCB phường An Khê) trong điều kiện chi hội có 18 hội viên, sinh sống trên địa bàn 12 tổ dân phố, ông là người có quân hàm cao nhất. Còn lại, 4 CCB không có lương, 9 người là thương bệnh binh, 5 người nhiễm chất độc da cam... Mặt khác, khu dân cư Đông Xuân là khu vực chỉnh trang giải tỏa, các CCB vốn quen lao động sản xuất nên đời sống gặp khá nhiều khó khăn.

Trước năm 2010, có CCB còn vi phạm kỷ luật phải xử lý, chi hội bị đánh giá là chi hội yếu. Trước tình trạng như vậy, ông trăn trở: “Mình là bộ đội về hưu, được Đảng, chính quyền và anh em tin tưởng nên phải cố gắng góp sức vào hoạt động”. Chi hội trưởng Nguyễn Xuân Quảng xác định năm 2010 tập trung củng cố, năm 2011 phải chuyển biến và quy tụ được anh em. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động là quá trình không đơn giản, bởi để các CCB yên tâm tham gia hoạt động, cần có giải pháp nâng cao điều kiện kinh tế cho họ. Nhiều CCB không nghề nghiệp, không lương nhưng là người chủ của gia đình, phải làm đủ mọi việc để nuôi con. Vì vậy, thời gian dành cho hoạt động hội không nhiều.

Trong khi đó, với vai trò của một chi hội trưởng CCB, để giải quyết khó khăn trên của anh em là điều bất khả kháng. Ông Quảng tâm sự: “Khi mới nhận chức Chi hội trưởng, tôi suy nghĩ làm thế nào để vận động mọi người tuy khó khăn mà vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nói như vậy nhưng không dễ gì làm được, vì lấy cái gì để động viên họ. Mình không có kinh tế, không có khả năng cho anh em mỗi tháng 3-4 triệu đồng tiền lương, cũng không cho họ một triệu đồng nào để giải quyết khó khăn. Vậy làm cách nào để cho anh em vui vẻ phấn đấu? Đó là điều mà tôi trăn trở nhất”.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm làm “thủ lĩnh thanh niên” trong quân đội, ông xác định trước hết phải làm đội ngũ CCB mạnh lên về tư tưởng. Việc thứ nhất là xây dựng chi hội mạnh, đăng ký, phấn đấu, lôi cuốn mọi người vào phong trào “CCB gương mẫu” do Trung ương Hội CCB Việt Nam phát động từ năm 2009 và biến các nội dung thành hiện thực. Từ trước đến nay, nhiều người còn hiểu lơ mơ không biết gương mẫu là làm những việc gì. Vì thế, khi sinh hoạt chi hội, ông phân tích: Thứ nhất, gương mẫu trong gia đình để con cái học tập; thứ hai gương mẫu trước nhân dân, tổ dân phố và xóm làng và thứ ba là gương mẫu trong thực hiện nghĩa vụ công dân.

Để làm được 3 điều nói trên, đòi hỏi người chi hội trưởng phải là tấm gương thực sự, là ngọn cờ để anh em tin cậy, nhờ đó chi hội mới có thể mạnh lên. “Việc đầu tiên là phải thực hiện chủ trương của Hội CCB phường nghiêm túc, duy trì chế độ sinh hoạt chi hội nền nếp. Đổi mới cách sinh hoạt, họp không căng thẳng và phải được chuẩn bị nội dung chu đáo”, Chi hội trưởng Nguyễn Xuân Quảng nói.

Về nội dung, hình thức sinh hoạt, ông chủ trương đổi mới: 30 phút đầu nghe thời sự, 30 phút tiếp theo dành cho các hội viên giãi bày tâm sự, 30 phút cuối kết luận và triển khai những việc cần làm. Ở nội dung đầu, do nắm được tâm lý các CCB rất thích nghe thời sự nên ông thường mời Bí thư chi bộ hoặc tự mình tổng hợp thông tin rồi thông báo trong sinh hoạt. Vì vậy, không khí sinh hoạt trở nên thân mật, đoàn kết, gắn bó. Song, để quy tụ được anh em đã khó, duy trì hoạt động của chi hội trở nên lôi cuốn, đoàn kết và ý nghĩa càng khó hơn.

Qua nghiên cứu tâm lý, ông biết rằng khi tuổi càng cao thì tấm lòng thiện càng được nhân lên trong mỗi con người. Vì thế, từ năm 2011, ông bắt đầu nhen nhóm tư tưởng đưa hoạt động của chi hội hướng đến cộng đồng, cụ thể là làm từ thiện, hỗ trợ hai anh em Nguyễn Văn Tây (8 tuổi) và Nguyễn Văn Nhật (6 tuổi) ở tổ dân phố 113 (Khu dân cư Đông Xuân). Ba mẹ Tây và Nhật bị ung thư, mất năm 2009.

Ông đã vận động chi hội đứng ra đỡ đầu cho hai cháu kể từ năm 2012. Với tấm lòng của những người lính Cụ Hồ năm xưa, hai cháu Tây và Nhật đã yên tâm đến lớp cùng bạn bè. Ngoài ra, nghĩa cử của CCB Nguyễn Xuân Quảng còn được đồng đội, bà con khối phố ghi nhận khi ông cùng gia đình quyên góp tặng một gia đình ở tổ dân phố 52, khu dân cư Đông Xuân một chiếc xe bán hàng trị giá 5 triệu đồng để anh mưu sinh nuôi con bị mù lòa.

Cùng với công tác nhân đạo, ông cũng luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội, đặc biệt là những người khó khăn trong chi hội. Bởi với ông, đồng chí của ta có thể nghèo, có thể không có nhà cao cửa rộng, nhưng đồng chí của ta rất cần tình cảm. Khi hội viên ốm đau, hoạn nạn, chi hội tổ chức thăm hỏi chu đáo. Hội viên gặp khó khăn, chi hội sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng.

Bằng những việc làm tưởng như đơn giản đó, ông đã từng bước củng cố niềm tin cho anh em, góp phần xây dựng Chi hội CCB Đông Xuân 1 trở thành chi hội mạnh cấp phường, quận. Bản thân ông được Hội CCB thành phố, quận hội và Quận ủy Thanh Khê… tặng nhiều giấy khen.

Song, khi nói về thành tích của mình, Thượng tá Nguyễn Xuân Quảng vẫn khiêm tốn: “Những gì tôi làm được là nhờ sự tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ của tổ chức hội cấp trên và sự đồng thuận của anh em trong chi hội. Đồng thời, tôi cũng cảm ơn vợ tôi, người đã đồng hành, ủng hộ tôi trong suốt quá trình công tác khi tại ngũ cũng như lúc nghỉ hưu”.

Bài và ảnh: NGUYỄN AN KHÁNH

;
.
.
.
.
.