.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

.

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 27-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế phổ biến ở nước ta là vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách nên không khác gì “vừa thiết kế, vừa thi công”, dẫn tới một số hậu quả như văn bản soạn thảo phải thực hiện nhiều lần; nhiều quy định không rõ hoặc quá chung chung, đọc thì nghe rất hay nhưng áp dụng không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu; một số văn bản pháp luật dàn trải và ôm đồm, dễ xảy ra tình trạng thiết kế quá nhiều vấn đề phụ vào trong văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để những quy định thiên vị và đặc quyền được đưa vào văn bản.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị không quy định Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật như dự thảo vì sẽ không hiệu quả. Theo ĐB, kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, khi có vấn đề phát sinh trong cuộc sống, Chính phủ thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét và đưa ra các kiến nghị cần thiết.

Ủy ban này gồm các vị đầu ngành, lĩnh vực và các chuyên gia hàng đầu có liên quan thực hiện việc nghiên cứu, báo cáo Chính phủ. Nếu thấy cần thiết phải ban hành luật thì Chính phủ sẽ soạn thảo và trình Quốc hội; hoặc cũng có thể giao công việc này do một bộ chuyên môn tiến hành.

Theo ĐB, bất luận cách nào thì chính sách đưa ra đều phải được Chính phủ thảo luận và quyết định trước khi soạn thảo. Bộ chuyên môn sẽ cử một số chuyên gia chuyên ngành cùng tham gia soạn thảo, nhằm đảm bảo chính sách đã được Chính phủ quyết định phải được thể hiện chính xác bằng ngôn ngữ pháp lý, có kỹ thuật thống nhất, đạt chất lượng cao.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, ở nước ta, văn bản pháp luật được soạn thảo bởi nhiều cơ quan khác nhau, mặc dù cơ chế hậu kiểm được xác lập nhưng đây là một việc làm rất khó khăn. Cái khó nhất vẫn là việc thể chế hóa chính sách bằng pháp luật. Công việc này đòi hỏi phải có những chuyên gia giỏi về lĩnh vực soạn thảo văn bản pháp luật. Do đó, ĐB đề nghị cần nhanh chóng đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên về soạn thảo văn bản pháp luật và xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, trong khi chưa có nhiều chuyên gia giỏi về soạn thảo văn bản pháp luật thì việc này nên tập trung về một mối và có thể là thành lập một cơ quan chuyên soạn thảo văn bản pháp luật thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Tư pháp. Các bộ, ngành chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu và phân tích chính sách. Khi chính sách đã được Chính phủ quyết định thì sẽ chuyển về cơ quan chuyên môn này để thể chế hóa thành pháp luật.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.