.
70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

LLVT thành phố Đầ Nẵng: Chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành

.

LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014), từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân trên các số báo ra hằng ngày.

Hình thành từ trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang (LLVT) Đà Nẵng đã trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn dân Đà Nẵng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công vào ngày 26-8-1945, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ của thành phố trong giai đoạn đầu tiên với vô vàn khó khăn, gian khổ.

Tháng 12-1946, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, LLVT Đà Nẵng đã sát cánh cùng các đơn vị chủ lực bám sát công sự, trận địa chiến đấu kiên cường, bao vây, giam chân gần 1 vạn quân Pháp trong thành phố từ ngày 20-12-1946 đến 15-3-1947, giữ vững thành Thái Phiên trong suốt hơn một tháng. Từ năm 1947-1952, biên chế LLVT Đà Nẵng gồm Bộ đội địa phương có 1 đại đội (Đại đội 14); Trung đội Đặc vụ quân sự, du kích tập trung, tự vệ chiến đấu mỗi khu kháng chiến hành chính có 1 đại đội.

Dựa vào lực lượng và thế trận làng, xã chiến đấu, LLVT Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương đẩy mạnh các hoạt động tác chiến, phát động mạnh mẽ phong trào du kích chiến tranh ngay giữa vùng tạm chiếm của địch; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật để tiến công tiêu diệt sinh lực địch; đánh bại các âm mưu, thủ đoạn, chiến tranh, chiến thuật cứ điểm, cụm cứ điểm, lô cốt, tháp canh, chiêu an, bình định lập tề của quân Pháp và tay sai, lập nhiều chiến công xuất sắc ở khu Đông Đà Nẵng, rạp xi-nê Mô-rin, Đài thiên văn, Ga Đà Nẵng, kho xăng Nại Hiên..., tạo thế cũng như lực cho các đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng, góp phần cùng quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đầu năm 1965, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà thành đơn vị trực thuộc Khu ủy. Thời gian này, LLVT Đà Nẵng đã tổ chức nhiều trận đánh xuất sắc ở sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu..., vừa chiến đấu, vừa phát triển lực lượng và tham gia xây dựng thế trận vành đai diệt Mỹ bao quanh căn cứ Đà Nẵng.

Dựa vào thế trận vành đai, các LLVT Đà Nẵng đã kiên trì trụ bám ở các căn cứ bàn đạp, căn cứ lõm, hành lang cơ động bao quanh Đà Nẵng, vận dụng linh hoạt các phương thức hoạt động, hình thức chiến thuật, cách đánh, liên tục tiến công tiêu diệt các căn cứ Mỹ - ngụy ở Cẩm Bình, Thanh Vinh, điểm cao 327, La Bông, Lệ Trạch, cầu Thủy Tú, cầu Đỏ. Bên trong biệt động - tự vệ dùng mìn, lựu đạn đánh vào các khách sạn, cư xá sĩ quan, nhân viên kỹ thuật Mỹ - Nam Triều Tiên. Tư duy linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích trong lòng địch, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân đấu tranh, tạo thế và lực cho lực lượng bên ngoài tiến công vào bên trong.

Trong những năm 1969-1971, lực lượng biệt động - tự vệ vẫn được củng cố, phát triển, nhiều đội biệt động Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Đội K15, K10, K20... được thành lập với hàng trăm chiến sĩ. Tiêu biểu nhất trong giai đoạn này là chiến công của tự vệ với các trận đánh kho bom đạn Phước Lý, sân bay Đà Nẵng, thiêu hủy kho xăng Nại Hiên, trận diệt tổ tình báo Sưu tầm vùng I chiến thuật...

Sau Hiệp định Paris tháng 1-1973, LLVT Đà Nẵng vẫn trụ bám kiên cường, liên tục chiến đấu lập công ở Cống Tiềm, căn cứ Hoa Lư, Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong, giữ vững thế làm chủ địa bàn, tạo điều kiện cho quân và dân ta mở chiến dịch tiến công, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.
Trong hai cuộc kháng chiến, LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã loại khỏi vòng chiến đấu 435.742 tên địch, thu 57.000 súng các loại, phá hủy 147 đầu máy và xe lửa, 8.834 xe cơ giới (có 2.000 xe tăng - thiết giáp), bắn rơi 3.518 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã cùng nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, xây dựng, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân; rà phá bom mìn sau chiến tranh; bảo vệ, củng cố chính quyền và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp với những hậu quả mà đế quốc Mỹ để lại trên địa bàn; đồng thời tiếp tục xây dựng LLVT vững mạnh. Năm 1997, LLVT thành phố Đà Nẵng được tách ra từ LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Với ý chí và tinh thần tự lực tự cường, LLVT thành phố Đà Nẵng đã phấn đấu không ngừng, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng đơn vị và LLVT vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương. Tập trung xây dựng LLVT thành phố theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng thường trực và dự bị động viên được xây dựng, củng cố ngày càng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng huy động nhanh, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh rộng khắp, đủ khả năng làm nòng cốt bảo đảm giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân; gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh trên các khu vực trọng điểm, thực hiện tốt nhiệm vụ “Xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc” trong thời kỳ mới.

Ghi nhận những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, LLVT Đà Nẵng được Đảng và Nhà nước tuyên dương 42 tập thể, 64 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVTND; được tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Quân công hạng 3, hạng 2, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Nguồn: Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.