Chính trị - Xã hội
Chiến công đêm rằm tháng 7
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), tôi gặp Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, để nghe ông kể về đời binh nghiệp của mình.
Theo dòng hồi ức của ông, tình hình địch ở Quảng Nam, Đà Nẵng những năm 1965-1967 cực kỳ căng thẳng. Chúng hành quân xuôi ngược khắp nơi; nay phục kích chỗ này, mai càn quét chỗ khác. Trên trời, nhất là khu vực Tam Kỳ và các huyện Thăng Bình, Quế Sơn…, thường xuyên có vài ba chiếc máy bay trực thăng quần lượn trinh sát.
Chỉ cần phát hiện dấu hiệu có đối phương ẩn náu thì chúng bắn rocket hoặc xả súng trọng liên, súng phóng lựu. Cũng có trường hợp máy bay ném đạn khói xuống để báo hiệu cho đồng bọn đổ quân đánh chiếm hoặc gọi máy bay chiến đấu đến dội bom.
Dưới mặt đất, Sư đoàn 3 ngụy đóng quân từ hướng Quế Sơn trở ra, Sư đoàn 2 ngụy đóng từ Tuần Dưỡng kéo vào. Lính Mỹ chốt giữ Núi Quế, Cấm Dơi, Tuần Dưỡng. Ở phía nam, quân Mỹ đóng ở Chu Lai, Tam Kỳ. Bầu trời Quảng Nam lúc bấy giờ luôn mù mịt bởi khói xe tăng và pháo của địch. Dọc ven tuyến núi từ Răng Cưa qua Kỳ Trà, Kỳ Yên ra đến Đại Lộc, đoạn dốc Ông Thủ, máy bay B52 rải thảm bom tọa độ suốt ngày đêm. Ngoài ra, địch còn dội bom hóa học từ Phương Đông, Dương Yên xuống Kỳ Yên, Kỳ Trà, Kỳ Quế ra Sơn Cẩm Hà, Hiệp Đức, Đèo Le, v.v…
Chúng không những gây tội ác với con người mà còn hủy hoại cả thiên nhiên nơi đây. Không biết bao nhiêu cánh rừng nguyên sinh bị chất độc hóa học của địch tàn phá, cây cối chết khô chìa cành trụi lá lên không trung như những cánh tay kêu cứu.
Sau trận chiến đấu chống càn, Tiểu đoàn 70 - Tỉnh đội Quảng Nam được lệnh hành quân lên xã Sơn Long (Quế Sơn, Quảng Nam) để củng cố đơn vị. Sáng 23-7-1967, đúng rằm tháng 7 năm Đinh Mùi, một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ từ Cấm Dơi lên Sơn Thắng. Buổi tối, chúng co cụm lại ở khu vực nhà máy gạo. Trước tình thế bất ngờ, chỉ huy Tiểu đoàn nhận định đây là cơ hội tốt để diệt địch. Ngay sau đó, cán bộ Tiểu đoàn đi chuẩn bị chiến trường.
Đồng thời, cán bộ ở lại phân công chỉ huy, hướng dẫn đơn vị làm công tác chuẩn bị để chiến đấu trong đêm. “Khi bộ phận đi trinh sát chuẩn bị chiến trường về, chúng tôi hội ý khẩn trương và xác định cách đánh, phân công lực lượng các hướng, mũi. Tôi động viên anh em và trực tiếp chỉ huy xuất kích”, Đại tá Lê Hải Lý, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn nhớ lại.
Đoàn quân bí mật lẩn vào bóng đêm với trái tim rực cháy quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng. Đúng 2 giờ 30 ngày 24-7, các mũi áp sát nơi trú quân của địch, mũi chủ yếu đã cắm sẵn vào trung tâm. Không gian vẫn im lặng như tờ. Quân Mỹ vẫn say sưa giấc nồng, chỉ có tên lính gác đang gật gà, gật gù trông có vẻ như nửa thức, nửa ngủ. Các mũi của ta vẫn giữ được bí mật. Khi tất cả đã sẵn sàng, Chính trị viên Lê Hải Lý ra lệnh nổ súng.
Tức thì đồng loạt lựu đạn, thủ pháo gầm lên, xé nát sự tĩnh mịch của bóng đêm. Những quầng lửa bốc cao thiêu rụi doanh trại dã chiến của địch. Lính Mỹ bị bất ngờ, không kịp trở tay. Với quyết tâm không để địch hồi phục, phát huy hỏa lực, tiểu đoàn nhanh chóng nổ súng xung phong. Những đường bắn găm, bắn gần của bộ đội liên tiếp quật ngã những tên lính ngoan cố chống trả. Kết quả, sau hơn 90 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt gọn đại đội lính thủy đánh bộ của Mỹ.
Sau chiến công trên, đơn vị cơ động về xã Sơn Thạch (Quế Sơn) để củng cố, sắp xếp lại lực lượng, sẵn sàng những trận đánh tiếp theo.
NGUYỄN AN KHÁNH