Chính trị - Xã hội
Người tham gia hai chiến dịch Điện Biên
Cuối năm 1972, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội và một số tỉnh lân cận, Trung đoàn 261 (Sư đoàn Phòng không Hà Nội) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo đã bắn rơi 13/34 máy bay B52 (có 8 chiếc rơi tại chỗ). Vì thế, những đồng đội của Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo đã được tuyên dương Anh hùng LLVTND như: Nguyễn Văn Thành, Hồ Phúc Ngôn, Nguyễn Lành… đều kính trọng ông về tài năng, mến phục ông về đức độ.
“Đại tá Trần Hữu Tạo sinh năm 1928 tại xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), tham gia cách mạng cuối năm 1946, nhập ngũ tháng 8-1949, kết nạp Đảng Lao động Việt Nam tháng 9-1949”. Sau khi tóm tắt lý lịch của người bạn chiến đấu năm xưa, Trung tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thành kể về những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp.
Đội 11 đặc công tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập vào tháng 3-1953 với nhiệm vụ đánh địch ở các đồn bốt trong phạm vi hậu cứ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ban chỉ huy đội lúc đầu gồm có: Trần Hữu Tạo - Đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ, Ngô Trọng Đãi - Chính trị viên, Vũ Bá và Nguyễn Văn Thành làm đội phó.
Tình hình chiến sự trên chiến trường Khu 5 vào cuối năm 1953, đầu năm 1954, nhất là sau khi ta thu được kế hoạch Át-lăng của địch, ngày càng có lợi cho ta. Quý 2 năm 1954, Đội 11 được giao nhiệm vụ phối hợp với chiến trường Điện Biện Phủ thực hành tập kích nhiều cứ điểm của địch đóng trên địa bàn, điển hình là trận tập kích 5 mục tiêu trong một đêm.
Trung tá - Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn, mũi trưởng trận đánh đồn Cổ Mân, nhớ lại: “Sau khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao, Đội trưởng Trần Hữu Tạo cử một bộ phận đi chuẩn bị chiến trường. Do yêu cầu thời gian khẩn trương, mặt khác địch còn nhiều sơ hở trong canh gác nên chúng tôi áp dụng biện pháp điều tra đồng loạt. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã hoàn thành công tác điều tra các mục tiêu, đồn bót của Pháp đóng rải rác trên địa bàn quận 3 Đà Nẵng”.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Đội 11 có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu: đồn Cổ Mân, đồn Mân Thái, đồn Mỹ Khê và cầu Đờ-Lách (hiện nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Sau khi thảo luận trong Ban chỉ huy, Đội trưởng Trần Hữu Tạo kết luận phương án đánh địch và trực tiếp báo cáo trên sa bàn để Thành ủy và Thành đội Đà Nẵng phê duyệt. Theo hiệp đồng, đội tổ chức hành quân bằng các phương tiện: ghe, thuyền trên sông, trên biển, do đội công tác địa phương dẫn đường, bảo đảm trú quân tại bán đảo Sơn Trà trước ngày nổ súng.
Riêng tổ đánh cầu Đờ-Lách gồm 4 người, do Mũi trưởng Huỳnh Ngọc Châu phụ trách, bí mật ém quân tại phường Hòa Cường trước ngày nổ súng. Ngoài quân số đánh đồn Mỹ Khê do Đội phó Nguyễn Văn Thành chỉ huy, lực lượng còn lại của Đội 11 gồm 24 đồng chí, do Đội trưởng Trần Hữu Tạo trực tiếp chỉ huy, được biên chế thành hai mũi, thực hành đột nhập từ hướng đông đánh vào vị trí các đồn Cổ Mân và Mân Thái.
Đêm 24-3-1954, sau tiếng nổ khai hỏa của mũi đánh đồn Cổ Mân làm hiệu lệnh cho trận đánh, lực lượng tập kích các đồn: Mân Thái, Mỹ Khê, Rờ Ni (do đơn vị khác đảm nhiệm) đồng loạt nổ súng theo hiệp đồng, nhanh chóng tiêu diệt địch. Nhớ lại chiến công này, Trung tá Hồ Phúc Ngôn nhận xét: “Anh Trần Hữu Tạo là cán bộ giỏi về chiến thuật quân sự nói chung, chiến thuật đặc công nói riêng, rất sâu sát trong công tác chính trị tư tưởng. Anh cũng là người chỉ huy dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sâu sát trong từng trận đánh”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đất nước chưa kịp cất ca khúc khải hoàn lại bước vào một cuộc chiến tranh mới. Và cũng từ đây, cuộc đời người đội trưởng đặc công bước sang một chặng đường vinh quang khác. Năm 1954, theo Hiệp định Genève, Trần Hữu Tạo lên đường tập kết ra Bắc. Khác với nhiều đồng đội đi cùng ở lại thành lập Sư đoàn 324, ông được chuyển học tại Trường Pháo binh.
Sau đó, từ năm 1957-1963, Trần Hữu Tạo được cử sang Học viện Pháo binh Liên Xô tu nghiệp. Về nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: trợ lý nghiên cứu, Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 261… thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong chiến dịch chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ vào cuối tháng 12-1972, ông được quân chủng biểu dương là Trung đoàn trưởng kiên cường, sáng tạo.
Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Lành - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết: “Lúc đó, tôi là Tiểu đoàn trưởng tên lửa, đóng quân tại Thanh Hóa nên chưa biết anh Tạo là ai. Nhưng nghe quân chủng và báo chí liên tục biểu dương các đồng chí Trần Hữu Tạo và Đinh Thế Văn nên tôi luôn coi anh Tạo là số 1”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về lại quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 375 (sau đổi thành Phó Sư đoàn trưởng). Nguyễn Lành tò mò hỏi: “Anh hồi ở Trung đoàn 261 đánh B52 phải không?”. “Ừ! Tớ cũng nghe về cậu, như cậu nghe về tớ thôi”.
Câu trả lời giản dị của ông càng làm hình ảnh người chỉ huy điềm đạm, khiêm tốn, gần gũi càng thêm sâu đậm trong lòng Anh hùng LLVTND Nguyễn Lành và nhiều đồng đội khác. Bây giờ, Đại tá Trần Hữu Tạo về cõi vĩnh hằng đã tròn 20 năm nhưng những gì ông để lại cho quê hương, đất nước vẫn còn mãi.
NGUYỄN SỸ LONG