.
70 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng

Nhớ mãi trận đánh B52 năm ấy

.

Cuối năm 1966, đang là sinh viên Trường Đại học Bưu điện - Truyền thanh (nay là Học viện Bưu chính - Viễn thông), ông Võ Sang (SN 1945) lên đường nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236, Đoàn tên lửa Sông Đà.

Gần 30 năm công tác trong quân đội, tham gia chiến đấu hàng trăm trận, trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1994, ông nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá, Phó tham mưu trưởng Đoàn Phòng không Đà Nẵng. Ông không về quê Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) - nơi chôn nhau cắt rốn mà định cư tại tổ 22, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).  

Tháng 3-2000, ông Sang nhận được Công văn của Bộ Ngoại giao mời ra Hà Nội dự buổi phỏng vấn của phái đoàn MIA (Mỹ) về những thông tin liên quan đến người Mỹ mất tích trong chiến tranh, bởi ông là một trong ba trắc thủ đã điều khiển quả tên lửa tiêu diệt chiếc B52 vào ngày 2-4-1972 trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Thông qua ông - một nhân chứng sống, phái đoàn MIA muốn tìm manh mối về số phận chiếc B52 bị tên lửa Sam 2 của đơn vị ông bắn hạ, qua đó có cơ sở tìm kiếm hài cốt phi công. Tại buổi phỏng vấn, ký ức về trận chiến đấu ác liệt năm đó hiện rõ mồn một trong ông. Và ông đã cung cấp nhiều thông tin xác thực. Chỉ có điều ông và đồng đội không thể xác định được tọa độ rơi chính xác của chiếc B52 năm xưa.

3 ngày sau khi chiến dịch giải phóng Quảng Trị mở màn, đơn vị ông xung trận bằng 3 quả tên lửa và đã tiêu diệt một chiếc B52, Thượng tá Võ Sang mở đầu câu chuyện và cho biết thêm, trong chiến dịch đó, bộ đội tên lửa có hai tiểu đoàn 62 và 64 thuộc Đoàn tên lửa Sông Đà tham gia. Sau một thời gian bí mật hành quân từ Bắc vào Nam, chịu nhiều tổn thất về người và vũ khí khí tài, cuối tháng 3-1972, trận địa được ém kỹ trong khu rừng ở phía tây Quảng Trị.

Nhiệm vụ của hai tiểu đoàn là chặn đánh B52, không để loại pháo đài bay này ngang nhiên làm mưa làm gió trên chiến trường, gây thương vong cho bộ đội ta. Lúc này, đơn vị cũng đã chiến đấu nhiều trận nhưng chưa khi nào bắn được B52 ở chiến trường miền Nam. Lúc đó là 9 giờ ngày 2-4-1972, trời trong xanh, mắt thường vẫn nhìn thấy rất rõ các tốp cường kích quần đảo.

Thông tin từ radar báo về có hai tốp B52, một từ Thái Lan bay sang, một từ ngoài biển bay vào. Ngay lập tức Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hùng lệnh cho kíp chiến đấu vào vị trí. Cả ba trắc thủ đều dán mắt vào màn hình, tay nắm chặt vòng điều khiển. Ông là trắc thủ phương vị, bên cạnh là Trần Xuân Miều trắc thủ góc tà, Nguyễn Văn Đắc trắc thủ cự ly.

Chỉ vài chục giây, cả ba trắc thủ đều phát hiện nhiễu B52 trên màn hình, đó là 3 dải nhiễu đậm và báo ngay cho sĩ quan điều khiển Phạm Duy Châu. Nhận được tín hiệu, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh bám sát mục tiêu, quyết tâm tiêu diệt. Khi mục tiêu cách trận địa khoảng 27km, độ cao 10km, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: phương pháp 3 điểm - phóng! Sĩ quan điều khiển ấn nút.

Quả thứ 1 rời bệ phóng. 6 giây sau, quả thứ 2 lao đi, tiếp đó là quả thứ 3. Cả ba trắc thủ gần như nín thở, căng mắt, chắc tay điều khiển tên lửa đến mục tiêu. Vài chục giây sau, trên màn hình hiện điểm nổ, biết mục tiêu đã bị tiêu diệt, lập tức sĩ quan điều khiển tương đương (ngắt sóng).

Trận chiến đấu diễn ra chỉ trong vòng vài ba phút. Biết thế nào máy bay cường kích sẽ cấp tập dội bom và phóng tên lửa xuống trận địa, kíp chiến đấu khẩn trương rời đài điều khiển cùng đơn vị sơ tán xuống hầm. Đúng như nhận định, chỉ ít phút sau, mấy tốp cường kích như bầy quạ đen nhào tới, liên tục trút bom và phóng tên lửa xuống trận địa.

Không chỉ dội bom mà chúng còn rải cả chất độc hóa học xuống khu rừng đơn vị đóng quân. Trận oanh tạc của kẻ thù gây tổn thất nặng cho đơn vị. Đêm đó, mọi người phải khoác áo phòng độc, di chuyển khí tài đi nơi khác. Cũng trong đêm đó, tin từ trinh sát báo về, một B52 trúng tên lửa rơi ở tọa độ chưa xác định.

Nói về xác định nhiễu B52, Thượng tá Võ Sang đúc kết: Khi mở máy, trên màn hình hiện lên rất nhiều nhiễu. Nhiễu của máy bay cường kích nhạt dễ phát hiện, duy chỉ có B52 nhiễu dày đặc. Mỗi khi nó xuất hiện, trên màn hình hiện lên 3 dải nhiễu khá đậm. Cái khó trong tác chiến với loại máy bay này là xác định cự ly chính xác để hạ lệnh phóng đúng thời điểm, bởi xa quá hoặc gần quá đều mất cơ hội. Với bản thân ông, phát hiện mục tiêu B52 trong nhiễu, đoán đúng cự ly 27km để Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh phóng là cả quá trình khổ luyện trước đó.

Sau trận chiến đấu tiêu diệt B52 đáng nhớ đó, đơn vị đã truyền đạt kinh nghiệm cho các đơn vị khác, là cơ sở vững chắc để hạ hàng chục B52 tại Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vào cuối năm 1972.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.