Chồng mất sau một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã khá lâu, nhưng với chị H.Y.N (ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu), sự việc vẫn như mới đây.
Tại căn nhà nhỏ ẩm mốc nằm sâu trong con hẻm đường Nguyễn Du, chị N. trầm tư kể: “Gia đình chúng tôi đang yên ấm hạnh phúc, vợ chồng tính chuyện xin việc cho đứa con trai đầu chuẩn bị tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Một ngày trước lễ tốt nghiệp, con trai xin tôi đi chơi ở tỉnh Quảng Nam với bạn bè. Và cuối ngày hôm đó, tôi nhận hung tin con tôi bị trượt chân xuống hồ chết đuối.
Trời đất như đổ sập, tôi suy sụp hoàn toàn, còn chồng tôi vốn không biết đến một giọt rượu, vậy mà suốt ngày uống, uống để quên đi nỗi buồn. Trước đây, sau giờ làm việc, anh ấy về nhà ngay. Nhưng từ khi con trai chết, hiếm khi chồng tôi về nhà trước 21 giờ, mà về trong tình trạng say mềm. Rồi đúng một năm sau ngày con trai tôi mất, một tối cuối tháng 7-2010, khi đang ăn cơm, tôi nhận tiếp tin sét đánh: chồng tôi chết do ngã xe trên đường.
Theo những người dân sống ở đường Nguyễn Tất Thành, gần nơi xảy ra tai nạn, không ai tông chồng tôi mà do anh ấy say quá, lao thẳng xe vào trụ điện, đầu đập mạnh xuống bó vỉa hè chấn thương sọ não nặng, chết tại chỗ. Khi tôi đến, người anh đã lạnh ngắt, trên lòng bàn tay không biết ai đó đã viết dòng chữ “không say, không về”. Có lẽ là mấy bạn nhậu của anh ấy viết trong lúc họ say...”.
Trong căn nhà nghi ngút khói hương và những vòng hoa viếng vẫn còn treo khắp phòng, chị Trương Thị Luyến (ở tổ 25A, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) chậm rãi kể với ch úng tôi về cái chết tức tưởi của chồng mình: “Mới hôm trước, ảnh gọi điện từ Hương Trà (Thừa Thiên Huế) nói rằng cuối tuần sẽ về.
Vậy mà ngày hôm sau, tôi lại nhận điện thoại của những công nhân làm chung công ty cho biết, chồng tôi bị một chiếc xe máy tông chết ngay trên đường. Thế là trong đêm tối, cả nhà đón xe ra Huế thì được biết chồng tôi trong lúc đi mua cơm đã bị một thanh niên uống rượu say xỉn đi với tốc độ cao tông thẳng vào người khiến anh bị chấn thương sọ não, chết tại chỗ; còn người thanh niên cũng chết sau đó 2 tiếng đồng hồ tại bệnh viện.
Hai mạng người trong một TNGT là kinh khủng!”. Sự ra đi quá đột ngột của người chồng khiến chị, một bệnh nhân phải chống chọi với căn bệnh ung thư hơn 10 năm nay, gần như suy sụp hoàn toàn. “Cả ngày Luyến chẳng chịu ăn gì, chỉ quanh quẩn thắp hương cho chồng. Sợ nó không chịu nổi, tôi phải bỏ việc nhà sang đây trông nom em”, chị ruột của chị Luyến chia sẻ.
Dường như những người có người thân chết vì TNGT suy sụp rất nhanh, có lẽ vì quá sốc trước nỗi đau. Tại thành phố Đà Nẵng, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng hơn 220 vụ TNGT, làm chết khoảng 100-120 người và bị thương khoảng gần 200 người. Mặc dù thành phố chưa có cuộc điều tra chính thức nào bao nhiêu số vụ TGNT xảy ra có sự “góp mặt” của những “ma men”, nhưng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hơn 50% số vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia say xỉn gây ra và con số này được Bộ Công an công bố mới đây cũng ở mức trên 43%.
Rõ ràng, ở nhiều địa phương hiện nay “cứ ra ngõ là gặp quán nhậu”, quả thật con số này là điều đáng suy nghĩ, mặc dù Đà Nẵng đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Trung tâm Quốc tế về chính sách có cồn (ICAP) chọn triển khai Dự án “Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện”, rất nhiều chương trình truyền thông đã được thực hiện, song hành là lực lượng CSGT triển khai việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.
Theo báo cáo của Cảnh sát giao thông thành phố, trong 10 tháng đầu năm 2014 đã có trên 120 trường hợp bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, bởi thực tế, không dễ để yêu cầu một “ma men” hợp tác đo nồng độ cồn trong hơi thở. Thế nhưng, qua con số này cũng rất dễ nhận thấy sự hạn chế của dự án, bởi đây là con số quá ít so với thực tế đang diễn ra. Người đi đường đang hằng ngày, hằng giờ phải “sống chung với những ma men” điều khiển phương tiện trên đường.
Tuy nhiên, người dân gần như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải “chung đường” với những “ma men”, như tâm sự nặng trĩu của chị H.Y.N: “Thấy chồng cứ say xỉn mỗi ngày khi đi làm về, tôi luôn lo sợ chuyện không may xảy ra. Thế nhưng, chẳng lẽ tôi bắt chồng ngồi nhà?”. Còn chị Trương Thị Luyến cứ như tự trách mình: “Mỗi lần gọi điện thoại cho anh ấy, tôi đều nhắc đi nhắc lại rằng cẩn thận xe cộ. Vậy mà có thoát được đâu!”.
“Ma men” đang ám ảnh người đi đường, nhưng làm gì để tránh tai họa này?
THANH VÂN