Chính trị - Xã hội

Cơ sở lưu trú của người cai nghiện

07:49, 16/12/2014 (GMT+7)

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, đến nay, Cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là cơ sở) đã tạm giữ 14 đối tượng trong thời gian chờ hoàn thành hồ sơ.

Hằng ngày, người nghiện được uống thuốc cắt cơn giải độc, được chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý để thoát khỏi cơn đói thuốc.
Hằng ngày, người nghiện được uống thuốc cắt cơn giải độc, được chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý để thoát khỏi cơn đói thuốc.

Với cán bộ, nhân viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06, H.N.T.A (SN 1976, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) không quá xa lạ. Khi A. được đưa vào cơ sở lần này, ông Thiều Đình Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06, Giám đốc Cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định, nói rằng trông A. tiều tụy hẳn so với lúc từ cơ sở này trở về hòa nhập cộng đồng. Trước đó, từ năm 2008-2010, A. từng đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05-06 vì sử dụng ma túy tổng hợp.  

Ngày 21-11 vừa qua, khi A. được Công an phường Hòa An mời ký biên bản hết thời gian quản lý, test thì phát hiện tiếp tục dương tính với ma túy. Ngay lập tức, A. được đưa vào cơ sở. Nhìn vẻ mặt tiều tụy, có chút bất cần đời của người phụ nữ này, có lẽ ít ai nghĩ có lúc chị rơi nước mắt khi nhắc đến người con trai đang ở nhà mòn mỏi trông mẹ. “Mấy lần nó đi phụ xe về thấy tôi buồn thì không chịu đi đâu nữa, cứ quấn quýt cả ngày. Lần này, phải vào cơ sở cai nghiện trở lại, tôi ân hận lắm”.

Hầu hết 13 đối tượng đang lưu trú tại cơ sở từng ít nhất một lần đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05-06. T.Q.N (SN 1991) tuy mới 24 tuổi nhưng đã ra vào Trung tâm 05-06 3 lần, thậm chí có đợt chỉ cách nhau… 3 tháng. Lần này, N. bị bắt trong khi đang chờ bạn đi mua “hàng” về chích. Bỏ học từ sớm, lao động phổ thông, N. bắt đầu tiêm chích heroin từ năm 2012 với liều lượng 2 lần/ngày. Ngay sau khi test kết quả dương tính với ma túy, N. lập tức được đưa đến cơ sở.

Cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 23-10-2014. Đến ngày 15-11, cơ sở tiếp nhận trường hợp người nghiện đầu tiên lưu trú. Tính đến ngày 4-12, nơi đây đã tiếp nhận 14 đối tượng; trong đó có 1 đối tượng đã di lý, còn lại 13 đối tượng (4 nữ, 9 nam) đang lưu trú tại đây.

Cơ sở là nơi lưu trú tạm thời dành cho các đối tượng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian chờ các cơ quan chức năng hoàn thành hồ sơ liên quan. Đây là “điểm trung chuyển” an toàn bởi sau khi các thủ tục được thực hiện đầy đủ, đối tượng sẽ được áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05-06 hoặc sẽ di lý phục vụ các bước điều tra, xử lý tiếp theo.

Ngoài các phòng cắt cơn, phòng y tế với các xét nghiệm chuyên sâu, cơ sở còn có phòng xông hơi tẩy độc, phòng tập thể thao cho người nghiện. Các đối tượng đều được thăm khám, tư vấn tâm lý, cho uống thuốc cắt cơn hằng ngày tùy vào tình trạng, mức độ nghiện. Trong đó, khâu tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi, nhân cách đặc biệt được chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng y tế của cơ sở cho biết: “Khi đối tượng vào đây, bên cạnh việc cắt cơn giải độc, chúng tôi thường xuyên chuyện trò, tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng để có hướng điều trị phù hợp. Tôi luôn nói rằng, việc cắt cơn là làm cho bản thân đối tượng. Nếu để tình trạng nghiện càng lâu sẽ càng khó điều trị, cai nghiện càng khó khăn hơn, vào đây sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Ông Thiều Đình Huệ, Giám đốc cơ sở, chia sẻ: “Kể từ khi đi vào hoạt động, các cấp lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của cơ sở. Đây là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan yên tâm làm các thủ tục cai nghiện cho đối tượng mà không lo đối tượng bỏ trốn; đồng thời, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu không có người nghiện trong cộng đồng, bởi đây là đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hại rất lớn cho xã hội”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.