.
Đào tạo nghề gắn với việc làm

Cơ hội lớn để người trẻ khởi nghiệp

.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay có gần 4.500 học sinh, sinh viên chưa có việc làm. Đào tạo lại là một trong những giải pháp được đặt ra nhưng kèm theo nhiều lo ngại.

Học viên theo học tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Softech-Aptech.
Học viên theo học tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Softech-Aptech.

Một nghịch lý đang xảy ra là rất nhiều sinh viên sau giờ học ở giảng đường đã cần mẫn đến lớp học thêm, học nghề để tự tìm cơ hội nghề nghiệp cho mình khi nhận thấy ngành học hiện tại không còn phù hợp với thực tế.

Ngày học, đêm học

Tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Softech-Aptech (gọi tắt là Trung tâm), có đến 70% học viên là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với một ngành đặc thù như CNTT, phần lớn học viên đều quan niệm chỉ học ở trường thì chưa đủ, nhất là lĩnh vực lập trình viên.

Việc Trung tâm tổ chức lễ ký kết đảm bảo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, đã mở ra cơ hội lớn cho học viên trong lúc rất nhiều sinh viên chính quy ra trường thất nghiệp, phải đi làm lao động phổ thông để kiếm sống.

Học viên Hoàng Cao Cường (SN 1981), từng là sinh viên ngành CNTT - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và hiện làm việc cho Công ty LogiGear cho biết: “Kiến thức học ở trường rất chung chung, không tập trung nhiều vào lĩnh vực lập trình viên nên mình đã đi học thêm ở Trung tâm để nâng cao kỹ năng của bản thân. Điều dễ nhận thấy nhất là Trung tâm dạy rất sát với thực tế. Tuy nhiên, học ở đâu cũng vậy, sự nỗ lực, tự học hỏi thêm của bản thân người học mới là điều quyết định thành công cho công việc”.

Bên cạnh đó, không ít học viên tại Trung tâm hoàn toàn là “dân ngoại đạo” trong lĩnh vực CNTT nhưng với niềm đam mê tin học, họ đã chấp nhận “lội ngược dòng” để làm lại từ đầu.

Từng là giáo viên mỹ thuật tại các trung tâm luyện thi của một trường tiểu học trên địa bàn, anh Trần Anh Tấn (SN 1983) tự nhận đang đánh cược cuộc đời mình khi bỏ hẳn hội họa để theo học lập trình viên. “Mới tháng thứ 3 theo học tại Trung tâm, mọi thứ với tôi vẫn rất mới mẻ và nhiều khó khăn. Tôi cũng đã ký biên bản thỏa thuận giải quyết việc làm cho học viên sau tốt nghiệp với Trung tâm nên sẽ cố gắng để đạt được các tiêu chí mà Trung tâm đặt ra, cũng là tự tạo cơ hội việc làm cho mình sau này”, anh Tấn chia sẻ.

Trách nhiệm từ hai phía

Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Softech-Aptech ra đời từ năm 2001 trên cơ sở hợp tác giữa tập đoàn đào tạo CNTT hàng đầu thế giới Aptech (Ấn Độ) và Công ty CP Công nghệ phần mềm Đà Nẵng (Softech). Với tiêu chí “chất lượng gắn liền với thành công nghề nghiệp của học viên”, suốt 14 năm qua, Trung tâm là đơn vị đầu tàu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp phần mềm cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Chương trình đào tạo của Softech-Aptech luôn cập nhật những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ phần mềm với giáo trình tiếng Anh và công nghệ giảng dạy tiên tiến được chuyển giao trực tiếp từ tập đoàn Aptech.

Theo ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Softech, việc Trung tâm ký cam kết có việc làm cho học viên sau tốt nghiệp không nhằm đánh bóng tên tuổi mà mục đích trên hết là muốn người học tự giác hơn, ý thức hơn về con đường nghề nghiệp của mình. Biên bản thỏa thuận ghi rõ học viên phải đi học chuyên cần từ 80% trở lên trong toàn khóa học, nghiêm túc, có kỹ năng tiếng Anh tương đương chứng chỉ C và phải hoàn tất các môn học đạt loại khá trở lên.

“Để ký kết bảo đảm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp là một lộ trình được chuẩn bị suốt 14 năm qua, trên cơ sở theo dõi, khảo sát, thống kê số lượng học viên tốt nghiệp ra trường đã có công ăn việc làm ổn định đúng chuyên ngành và phát huy được năng lực. Với việc ký kết này, chúng tôi muốn thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của đơn vị đào tạo đối với người học; đồng thời buộc người học phải có trách nhiệm lại với đơn vị đào tạo, với chính bản thân người học và gia đình của họ”, ông Tùng khẳng định.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.