Dù các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã nỗ lực xử lý nhưng tình trạng lang thang xin ăn, chèo kéo khách vẫn diễn ra. Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng và các bên liên quan có cuộc họp vào ngày 4-12 nhằm hạn chế tình trạng này.
Lực lượng chức năng nhắc nhở một đối tượng bán hàng rong trên tuyến đường cấm tại Đà Nẵng. |
Tái diễn chèo kéo khách tại đèo Hải Vân
Hiện nay, nạn bán hàng rong, chèo kéo khách tại đèo Hải Vân vẫn phức tạp. Dù thành phố đã bố trí 4 người túc trực để quản lý nhưng nhiều người dân dưới chân đèo vẫn buôn bán hàng rong, đeo bám khách du lịch gây phiền hà cho du khách.
Bà Nguyễn Châu Loan, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, đơn vị cũng đẩy mạnh phối hợp xử lý tình trạng này nhưng việc chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng chưa hiệu quả. “Vì lợi nhuận cao nên dù đã được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề nhưng họ vẫn tiếp tục bán hàng rong chèo kéo khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương xử lý mạnh tay hơn”, bà Loan nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính từ đầu năm đến nay, Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn thành phố phối hợp với các địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý đối tượng vi phạm tại các khu vực chợ, công viên, các chùa, nhà hàng, quán ăn…
Đến nay, đã cảnh cáo, nhắc nhở hơn 600 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định; tập trung 61 trường hợp lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố và 39 đối tượng tâm thần vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần. Ngoài ra, đề nghị Công an thành phố điều tra, xử lý 2 đối tượng lợi dụng chăn dắt người khuyết tật để bán hàng rong kết hợp xin ăn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lang thang xin ăn biến tướng tái diễn.
“Điều vướng mắc là khó xác minh nhân thân, quê quán của các đối tượng. Khi họ khai thế này, khi lại khai kiểu khác nên khó xử lý”, ông Nguyễn Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nêu ý kiến. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, tại một số tuyến đường cấm bán hàng rong nhưng chưa có biển cấm, đối tượng vào bán mà các lực lượng chức năng chưa xử lý được.
“Hiện chỉ có quận Hải Châu tổ chức cho các cơ sở ký cam kết và dán khẩu hiệu tuyên truyền tại cơ sở, còn các địa phương khác chưa làm quyết liệt nên nơi đây vẫn còn tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách.
Phải thực hiện đồng bộ
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian đến, các địa phương phải tiến hành các biện pháp nhất loạt và đồng bộ. “Nếu nơi này làm nghiêm mà nơi khác buông lỏng thì hiệu quả không cao bởi đối tượng chạy từ nơi này sang nơi khác nên sẽ không thể xử lý rốt ráo”, bà Hưng nói. Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho mỗi người dân để họ thông tin ngay nếu phát hiện tình trạng ăn xin, chèo kéo khách.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, điều quan trọng là lực lượng chức năng của các địa phương phải duy trì thường xuyên hoạt động này.
“Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc xử lý đối tượng chưa chặt chẽ, có biểu hiện ngại khó, nhất là chưa kiên quyết xử lý đối tượng lợi dụng trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong và xin ăn, bán hàng rong dùng loa phóng thanh gây tiếng ồn…”, ông Hiệp cho biết. Theo ông, bên cạnh việc vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết, còn phải vận động họ phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý đối tượng chứ không chỉ dừng ở chữ ký trên giấy.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ