Lần giở những thư tịch bạc màu thời gian và sự chỉ dẫn của các bậc cao tuổi, chúng tôi rong ruổi đèo Hải Vân để tìm lại dấu xưa.
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công thành Điện Hải, phòng tuyến phía nam đèo Hải Vân - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng |
Cảnh vật thuở nào được tạo nên bởi bàn tay tiền nhân không còn mấy nữa, nhưng may mắn tòa Hải Vân quan vẫn đang sừng sững uy nghiêm trên đỉnh đèo.
Lá thư tướng Lyautey
Trong cuốn Lettres du Tonkin et de Madagascar (Những lá thư từ Bắc kỳ và Madagascar), tướng Pháp Hubert Lyautey đã nhắc đến một dấu ấn của phòng lũy Hải Vân. Về sau tác giả H. Cosserat, một người Pháp đầu thế kỷ 20 nghiên cứu rất kỹ về Hải Vân, đã trích dẫn sách của viên tướng viễn chinh này và in lại trong bộ Những người bạn cố đô Huế tập VIII năm 1921.
Sách kể một kỷ niệm “ngậm đắng nuốt cay” của quân đội Pháp trên cung đèo thiên hiểm: “Đỉnh đèo được chặn lại bởi các lũy phòng thủ rất xưa của người An Nam, không cho tiến ra Huế.
Mới đây, trước khi có con đường mới, mà hàng ngàn phu lục lộ chúng tôi vừa xáp mặt trên đường đi qua, vẫn đang còn làm việc, thì lối vượt đèo dựng đứng về phía Đà Nẵng đã không thể nào thực hiện được.
Chính tại đây, năm 1856, một trong những đại đội đổ bộ của chúng ta bị lọt vào trong cơn lăn xuống của những hòn đạn tròn đặc ruột, mà cũng đủ bị nghiến xương đến 300 người, chứ đừng nói người An Nam phải nhọc công bắn xuống. Các đống đạn còn đó trong khi chúng tôi ăn cơm trưa bên cạnh mấy khẩu pháo xưa cũ đang cùng nhau ngủ yên mãi mãi...”.
Quốc sử quán triều Nguyễn không ghi chi tiết sự kiện này, nhưng tướng Lyautey đã tự viết lại sự bại trận của chính quân đội mình để người đời sau có điều kiện nghiên cứu thêm.
Ngày 30-8-1896, ông ta còn là viên thiếu tá chủ sự phòng quân vụ, đã cùng toàn quyền Đông Dương Rousseau, khâm sứ An Nam Bìere và một số lính Pháp, An Nam đi từ Huế đến Đà Nẵng.
Khởi đầu, họ lên chiếc tuần dương hạm Alouette đến Lăng Cô, rồi vượt bộ qua đèo Hải Vân. Chính hành trình này đã cho viên sĩ quan này thấy phòng lũy đặt trên dải hùng sơn để trấn giữ mạn Nam kinh thành Huế.
Sự thật từ nhiều thế kỷ, các vị vua chúa nước Việt đã rất chú trọng đến việc canh phòng nơi hiểm địa. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết hồi thế kỷ 15 đã ghi cửa ải Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) chứng tỏ đã có việc quan phòng. Sau đó đến thời Lê Thánh Tông phạt Chiêm, ghi rõ thêm “lần đầu tiên đặt cửa quan Hải Vân để kiểm soát những người ra vào”.
Nội dung cho thấy ít nhất là từ triều Lê, Hải Vân đã là một đoạn của con đường cái quan thiên lý có nhiều người qua lại. Việc canh phòng vị trí này là cần thiết dù rằng lúc ấy nó còn vô cùng hiểm trở, khó đi như dân gian lan truyền Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi. Và cái hang này cũng nằm ngay dưới chân dải Hải Vân.
Sau nhà Lê, tầm nhìn quốc phòng ở Hải Vân được nối tiếp. Chúa Nguyễn Hoàng mở cõi Đàng Trong đã dạy các hoàng tử tận dụng lợi thế thiên nhiên để bảo vệ bờ cõi.
Bộ sử Đại Nam thực lục tiền biên chép rằng: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang bờ biển.
Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây dựng kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn”.
Đây cũng là thời điểm các nhà buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha đổ xô vào giao dịch với Đàng Trong và hiểu rất rõ thượng đạo hiểm trở trên đèo Hải Vân.
Hải Vân quan cổng Huế vẫn còn rõ vết đạn chiến chinh - Ảnh: Q.Việt |
Núi rừng hoang hiểm
Nhà sư nổi tiếng người Trung Quốc Thích Đại Sán từng đi đường bộ vượt đèo này để đến kinh thành Huế. Hành trình đến xứ Đàng Trong bằng thuyền biển, nhà sư chính là một trong những chứng nhân về Bãi Cát Vàng, tức Paracel là quần đảo Hoàng Sa của VN và được ghi chép chi tiết trong bộ Hải ngoại kỷ sự.
Ông đến Huế vào cuối xuân, tháng 3-1695. Lưu lại đây giảng giải đạo pháp cho hoàng tộc khoảng nửa năm, ông vào Hội An để đi đường biển về nước. Ở thời điểm ấy, thương cảng Hội An là một bến tàu chính đến và đi giữa Đàng Trong với các nước mà trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, do gặp thời tiết xấu, ông mắc bệnh không thể đáp tàu về nước được nên phải nán lại Hội An. Triều đình Huế hay chuyện, lại thỉnh mời ông ra kinh thành. Ngày 12-10 năm Ất Hợi 1695, ông khởi hành bằng đường bộ qua đèo Hải Vân và đã làm thơ, ghi chép tỉ mỉ về thượng đạo đặc biệt này.
Một đoạn trong bản dịch Hải ngoại kỷ sự kể rằng: “Đi đến được vài mươi dặm, trời chiều khói tỏa, trăng lên bìa rừng ... Sáng bữa sau, đi chừng mươi dặm, qua ngang một cái khe, vượt qua một đèo nhỏ, lại qua một cái khe nữa thế là đến rừng Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân); đi ngựa không được, đều đổi qua đi võng. Dân chúng ở dưới đèo rất khổ, quan dịch đi đông, bắt phu không đủ...
Quá trưa, lên đèo, đường sá gập ghềnh rất khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Càng lên cao, phía trên hai hàng cây cao vút chừng vài mươi trượng, không có cành phụ cong queo.
Mỗi cây đều bắt rễ trong rừng sâu, phải vượt lên cao để cướp hứng sương mốc. Quay nhìn xuống biển thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Vì đứng cao nhìn xuống nên trông thấy hình như mọi vật đều đứng im.
Cũng như ngửa trông lên trời, chẳng thấy các hành tinh vận hành vậy. Trông lên đỉnh núi che khuất trong mây, chỉ thấy một dòng suối từ trên cao chảy xuống trắng toát như cây lụa. Chỗ đương đứng vừa lưng chừng núi vậy. Phu đài đi thoăn thoắt, hình như chân không bén đất, quanh co trên đá rêu hang hốc, bỗng chốc đã đi tuốt vào trong mây...”.
Cùng với Thích Đại Sán, những người phương Tây từng qua Hải Vân quan không chỉ thấy vẻ đẹp mà cũng có cả nỗi sợ hãi hoang hiểm.
Sĩ quan hải quân Pháp Dutreuil de Rhins sau chuyến vượt đèo Hải Vân năm 1876, đã kể lại trong hồi ký Vương quốc An Nam và người An Nam một cách sợ hãi nhưng cũng nhuốm màu lãng mạn: “Mấy bó đuốc lóe lên những ánh ma thuật trên cảnh thiên nhiên hỗn loạn, và những bóng tối dị hình chạy theo sau những đám khói đỏ hồng. Đuốc có khi rực sáng, có khi biến mất qua các khuỷu đường, và cảnh rừng vùng lớn dậy bằng tất cả sự sợ hãi của bóng đêm. Đá sỏi lăn lóc dưới chân đi, và các phu cũng thận trọng ép sát vào bên phải sát sườn núi... Con đường mòn vừa đủ cho hai người sánh bước giờ đây lên lên xuống xuống nép theo sườn núi khi thì dốc dựng, khi thì um tùm bưng bít của đá núi. Hụt một bước, hòn đá con con phía bên trái long ra là lọt xuống vực toang hoác, sâu từ sáu đến chín trăm bộ”...
Theo Tuổi trẻ