.

Hòa Quý ngăn chặn tệ nạn ma túy

.

Từ một miền quê thanh bình với bề dày truyền thống cách mạng, phường Hòa Quý lại trở thành “điểm nóng” của quận Ngũ Hành Sơn về tình hình an ninh, trật tự và phát sinh tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, “điểm nóng” này đã nhanh chóng bị xử lý.

Công an quận Ngũ Hành Sơn trao tiền và phương tiện học nghề cho thanh-thiếu niên tiến bộ, có nhu cầu học nghề và trở lại trường học.
Công an quận Ngũ Hành Sơn trao tiền và phương tiện học nghề cho thanh-thiếu niên tiến bộ, có nhu cầu học nghề và trở lại trường học.

Phường Hòa Quý, có tổng diện tích 15,25km2, dân số 3.507 hộ với 14.311 nhân khẩu, 16 khu dân cư với 115 tổ dân phố. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm nghề lao động phổ thông và buôn bán nhỏ. Từ những năm mới trở thành phường, Hòa Quý vẫn mang đậm dáng dấp nông thôn, làng quê yên ả, không có mại dâm, ma túy, tội phạm ít phát sinh.

Những năm gần đây, quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị và giải tỏa trên diện rộng đã làm cho phường Hòa Quý có kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, khang trang hơn. Hiện toàn phường có 32 dự án đang triển khai; có ba tuyến đường huyết mạch nối với quốc lộ 1A và trung tâm thành phố. Đó là đường vành đai phía Nam, đường Võ Chí Công và đường Mai Đăng Chơn.

Làng đại học đã có ba trường đi vào hoạt động với lưu lượng sinh viên bình quân hằng năm hơn 8.000 người. Đồng thời, phường có địa bàn giáp ranh với xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, giáp ranh xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Chính vì vậy, trên địa bàn phường luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về tình hình an ninh trật tự và tệ nạn ma túy.

Theo ông Nguyễn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, trong những năm 2010 - 2011, mỗi năm có từ 20 đến 25 học sinh bỏ học ở bậc THCS. Đây là điều bất bình thường, đồng thời cũng là mầm mống nảy sinh tội trộm cắp, cờ bạc, ma túy ở địa phương.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là nhiều gia đình có tiền từ việc đền bù giải tỏa nhưng lại ít quan tâm đến con cái, dẫn đến bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, ăn chơi lêu lổng. Chính vì vậy, đến đầu năm 2012, phường Hòa Quý phát hiện 38 đối tượng sử dụng chất ma túy, 45 em thiếu niên hư và nhiều tội phạm khác, trở thành “điểm nóng” của quận Ngũ Hành Sơn.

Trước thực trạng trên, UBND phường đã tập trung triển khai một số giải pháp, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thiếu niên hư và người sử dụng ma túy. Theo ông Nguyễn Hòa, đến đầu năm 2013, trên địa bàn phường chỉ còn 26 đối tượng, giảm 12 đối tượng; đến 6 tháng đầu năm 2014, giảm 10 đối tượng, hiện nay còn 16 đối tượng.

Trong đó, có 3 đối tượng đang điều trị methadone, 8 đối tượng đang quản lý sau cai tại địa phương và 5 đối tượng sử dụng một đến vài lần. Đặc biệt, trong thời gian qua, địa phương không để phát sinh đối tượng nào, đây là thành quả lớn từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Để có được kết quả nêu trên, kinh nghiệm ở phường Hòa Quý cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phường đặc biệt chú trọng đến mô hình giao ban hằng tháng giữa Cảnh sát khu vực với Bí thư chi bộ và quân - dân - chính khu dân cư.

Chủ trì buổi giao ban là Thường trực Đảng ủy và UBND phường; Cảnh sát khu vực báo cáo tình hình an ninh trật tự, tình hình tội phạm, đối tượng ma túy trong tháng. Sau đó, tiến hành thảo luận. Bí thư chi bộ phân công lãnh đạo trong hệ thống chính trị khu dân cư theo dõi, giám sát, kèm cặp, giúp đỡ từng đối tượng.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo 138 của phường thường xuyên phối hợp với Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi tọa đàm, gặp trực tiếp các các đối tượng có sử dụng chất ma túy và gia đình của họ để tìm hiểu, lắng nghe những ý kiến gia đình cũng như những nguyên nhân, nhằm tìm ra những giải pháp; từ đó, đề ra hướng giải quyết như cảm hóa giáo dục, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, giúp các em nhận ra lỗi lầm và sửa chữa, khắc phục. Từng tổ chức chính trị xã hội phường cũng được giao phụ trách theo dõi, giúp đỡ các em tiến bộ một cách cụ thể.

Thành công lớn nhất trong những năm qua trên địa bàn phường Hòa Quý có thể kể đến, đó là triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Tiếp sức đến trường”. Đây là chương trình không những có ý nghĩa về mặt xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, chương trình đã tác động rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh khối THCS. Trong chương trình này, nhà trường phụ đạo các em học sinh yếu, kém có nguy cơ bỏ học nửa chừng nắm vững kiến thức, tự tin trở lại trường. Kết quả, 2 năm học vừa qua, trên địa bàn phường không có em nào bỏ học ở bậc THCS. Đây là thành công lớn, góp phần năng cao chất lượng giáo dục và hạn chế trẻ em vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.