.

Làm rõ trách nhiệm nợ đất tái định cư

.

Sáng 11-12, kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố tiếp tục phiên chất vấn về tính khả thi, kết quả triển khai một số dự án lớn trên địa bàn thành phố và làm rõ trách nhiệm của một số cơ quan, ban, ngành liên quan đến việc nợ đất bố trí TĐC cho người dân trong thời gian dài…

Đại biểu Thái Thanh Hùng chất vấn tại kỳ họp. 			             			  	         Ảnh: VĂN NỞ
Đại biểu Thái Thanh Hùng chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VĂN NỞ

Xử lý nghiêm việc giấu đất tái định cư

Về vấn đề nợ đất tái định cư (TĐC) của dân trong thời gian qua, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Bình cho rằng, do sự buông lỏng trong quản lý đã dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố mới phát hiện ra việc giấu đất mà cấp trên không quản lý được.

“Vì không bố trí TĐC, trong 3 năm qua, thành phố phải chi trả tổng số tiền 36,2 tỷ đồng cho người dân thuê nhà ở. Đây có phải là thiếu tinh thần trách nhiệm hay không? Đề nghị làm rõ trách nhiệm vì sao ban quản lý giấu đất mà không biết, các cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố thì sao?”, ĐB Bình chất vấn.

ĐB Nguyễn Đăng Hải cũng đặt câu hỏi, trong khi giấu đất, thành phố có chủ trương mua đất lại để bố trí cho dân nhưng may là chủ trương này đã được dừng lại. Vậy, tại sao ban quản lý lại vô cảm với chủ trương này của thành phố; đồng thời đề nghị ban dự án nào còn nợ đất TĐC mà thành phố chi trả tiền cho người dân thuê nhà ở thì phải đền bù.

Trả lời các câu hỏi trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương khẳng định: “Thành phố sẽ làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và xử lý nghiêm. Song song với việc bố trí đất TĐC cho nhân dân, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của từng ban, từng đơn vị, cá nhân có liên quan. Ban nào, đơn vị nào giấu đất, trưởng ban phải chịu trách nhiệm cao nhất trước thành phố, sau đó là những cán bộ có liên quan”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phan Thị Thúy Linh về việc không công khai, minh bạch trong thời gian qua có lợi ích nhóm hay không, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương nói: “Chắc có cái gì trong đó chứ không phải ngẫu nhiên. Việc tiêu cực đó cũng có một phần nhân dân tiếp tay. Ví dụ như trường hợp ở đường cao tốc, cán bộ, nhân viên và người dân cùng đồng ý nâng khống để hai bên cùng có lợi để rút tiền của Nhà nước. Do đó, đề nghị người dân góp phần tố giác tội phạm để chống tiêu cực, chống tham nhũng”.

Dự án sân vận động Chi Lăng: Không làm đúng quy hoạch sẽ thu hồi

Về việc tách lô tại dự án sân vận động Chi Lăng, ĐB Mai Đức Lộc đề nghị thành phố cho biết việc đồng ý cho tách 10 lô đất để huy động vốn là đúng hay sai và nếu đúng thì các dự án khác trong thời gian tới có cho phép làm tương tự không? ĐB Nguyễn Văn Lĩnh cũng đặt câu hỏi về việc phân chia 10 lô nhỏ được cầm cố ở ngân hàng và ngân hàng sẽ bán đấu giá theo Luật Dân sự nếu không còn khả năng để chi trả thì lúc đó thành phố có yêu cầu xây dựng một khu phức hợp liên hoàn được nữa hay không?

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định chủ trương của thành phố là xây dựng dự án liên hoàn và không cho phép chuyển nhượng dự án, không được phát mãi. “Xin các ĐB chờ cơ quan điều tra kết luận. Khi có kết quả của cơ quan điều tra, UBND thành phố có trách nhiệm thông báo theo đúng thẩm quyền. Việc chia tách dự án là theo Luật Đất đai năm 2013, UBND thành phố sẽ nghiêm túc thực hiện theo Luật Đất đai tại địa phương”.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ, sân vận động Chi Lăng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2010 để xây dựng khu thương mại dịch vụ cao cấp. Sau quyết định giao đất, nhà đầu tư phân 10 khu nhỏ. “Đề nghị UBND thành phố kiểm tra lại các văn bản hiện hành xem có phù hợp với luật pháp và văn bản của Chính phủ không?

Tuy nhiên, dự án của Tập đoàn Thiên Thanh liên quan đến cơ quan điều tra đối với Ban giám đốc tập đoàn, trong đó có liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất thì phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Thọ cho biết. Đối với dự án này, ông Thọ cho rằng có 4 vấn đề cần thực hiện: Làm đúng theo quy hoạch ban đầu, không chuyển nhượng dự án cho người khác; không phát mãi; nếu không làm đúng theo quy hoạch, không đúng tiến độ thì thu hồi; nếu thu hồi xong mà triển khai làm gì thì phải trình HĐND thành phố xem xét”.

Nghiêm túc nhận thiếu sót trước cử tri toàn thành phố

Liên quan đến vấn đề nợ đất TĐC kéo dài trong thời gian qua, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ghi nhận trả lời nghiêm túc, thái độ cầu thị của UBND thành phố và nêu lên 7 vấn đề: Do tổ chức bộ máy cồng kềnh, đông người và việc nhập vào, tách ra thường xuyên của các ban, kể cả ban thực hiện dự án và công ty thực hiện dự án. Chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, không rõ ràng, không tập trung tại một đầu mối.

Vai trò của Chủ tịch UBND quận trong giải tỏa khá rõ nhưng trong đền bù và bố trí TĐC còn bị động, lúng túng, thiếu thông tin. Cán bộ ban quản lý dự án, ban giải tỏa đền bù biết được quỹ đất nhưng thiếu trách nhiệm, không báo cáo trung thực và kịp thời, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai phạm quy định, vượt thẩm quyền nhiều trường hợp. Vai trò thẩm định của Sở Xây dựng không chặt chẽ, Sở Kế hoạch và Đầu tư không sâu sát, ít đi thực tế. Vai trò của Văn phòng UBND thành phố trong việc tổng hợp, tham mưu giúp UBND thành phố không tốt.

“Cuối cùng là trách nhiệm lãnh đạo, điều hành của UBND thành phố, trách nhiệm kiểm tra, giám sát các Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế và Thường trực HĐND thành phố không đến nơi, đến chốn và tôi cũng nhận trách nhiệm này. Tôi nghiêm túc nhận thiếu sót trước cử tri toàn thành phố, đặc biệt là bà con phải chịu vất vả trong suốt thời gian qua. HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố và các cơ quan chức năng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cụ thể và báo cáo Thường trực HĐND thành phố”, ông Trần Thọ nói.

“Tối hậu thư” đối với dự án Khu CNTT tập trung

Trả lời chất vấn của các ĐB xoay quanh việc dự án Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Kim Sơn cho biết, dự án Khu CNTT khởi công xây dựng từ ngày 6-4-2013 trên địa bàn xã Hòa Liên (Hòa Vang) do Tập đoàn Rocky Lai & Associates-Đà Nẵng cùng các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới san lấp được 30ha trong số 131ha, trong đó chỉ có 10 ha hoàn chỉnh. Ngoài ra, hiện chủ đầu tư cũng chưa trả tiền cho nhà thầu nên dự án đang trong giai đoạn bỏ hoang. Bên cạnh đó, chủ đầu tư mới tạm ứng cho thành phố số tiền khoảng 200 ngàn USD. Thành phố cũng đã nhiều lần gửi thư mời, liên lạc với chủ đầu tư nhưng do đại diện nhà đầu tư không có mặt ở Việt Nam nên không thể làm việc.

Việc nhà đầu tư có tiếp tục thực hiện dự án này hay không, ông Sơn cho biết vẫn hy vọng dự án sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Trước thông tin này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phê bình việc thẩm định năng lực đối với nhà đầu tư không chắc, không đúng… kể cả đã nhờ đơn vị nước ngoài thẩm định năng lực của nhà đầu tư. “Vì vậy, trước mắt tôi yêu cầu các ngành chức năng của thành phố phải sớm chỉ đạo nhà đầu tư dự án này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đã ký kết với thành phố.

Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, khi triển khai là phải làm thật, không được làm đối phó. Nếu đến cuối quý 1-2015, nhà đầu tư không thực hiện dự án, hoặc có triển khai nhưng mang tính đối phó thì yêu cầu thành phố rút giấy phép ngay đối với dự án này và tiếp tục tìm nhà đầu tư khác, đủ năng lực để thực hiện dự án”, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện tiểu dự án phát triển CNTT Việt Nam tại Đà Nẵng, ông Sơn cho biết, dự án này trong giai đoạn đầu, Đà Nẵng được bố trí vốn là 17 triệu USD, trong đó đã thực hiện trên 17 triệu USD và đến năm 2010, Đà Nẵng tiếp tục bổ sung 10 triệu USD để thực hiện dự án. Đến nay, sau hơn 7 năm (từ 2006-2014) triển khai, nhiều hạng mục của dự án đã phát huy tác dụng.

ĐB Phan Thúy Linh đặt câu hỏi: Theo dự toán năm 2015, thành phố sẽ đầu tư hạng mục cho xã, phường điện tử, trong đó dự kiến bổ sung 10,4 tỷ. Vậy từ nguồn kinh phí của tiểu dự án, chúng ta có thể lồng ghép vào để xây dựng được hay không, đồng thời đề nghị Giám đốc sở đánh giá thêm thông tin về dự án này? Ông Sơn khẳng định tất cả các thiết bị mua trong tiểu dự án là theo tư vấn về chính quyền điện tử. Còn đối với việc phân bổ 10,4 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, phường xây dựng chính quyền điện tử, ông Sơn khẳng định không biết việc này và hứa sẽ xem xét lại.

Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ hoan nghênh chủ trương của Sở TT&TT đã vận động được nguồn vốn để phát triển dự án CNTT, nhờ vậy hạ tầng CNTT của Đà Nẵng đã được cải thiện đáng kể bởi không phải ngẫu nhiên mà người ta bình chọn cho Đà Nẵng 6 năm liền đạt giải về phát triển CNTT.

Tuy nhiên, những vấn đề ĐB chất vấn rất sát với thực tế, ngành CNTT thành phố phải biết lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các ĐB chung quanh đầu tư thiết bị, nguồn nhân lực cho đạt hiệu quả. “Đừng có sắm thiết bị ra mà không có ai biết sử dụng là lãng phí. Ngay cả việc đầu tư 10,4 tỷ đồng cho các xã, phường xây dựng chính quyền điện tử mà Giám đốc Sở trả lời không biết là lỗi của cả hệ thống”, ông Thọ nói.

Đề phòng nhà đầu tư chuyển nhượng dự án

Liên quan đến nội dung các ĐB đề cập đến tiến độ triển khai dự án làng Vân có yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay không và khả năng nhà đầu tư có chuyển bán dự án hay không, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn khẳng định: Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch và nhà đầu tư đang làm các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, lập dự án khả thi và nhà đầu tư cũng đã nộp 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định nhu cầu sử dụng đất và hoàn thành các thủ tục trong tháng 12-2014 để thành phố cấp phép đầu tư. Dự án này không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng vì khu đất nằm sát dưới chân núi, sát biển…; không có nằm trên độ cao trong khu vực phòng thủ và khi cấp chứng nhận đầu tư, Sở sẽ tham mưu cho thành phố không cho phép nhà đầu tư chuyển hay sang nhượng dự án này.

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Nho Trung liên quan đến các dự án đô thị ven biển và trung tâm thành phố vẫn chậm thực hiện và hướng xử lý sắp tới như thế nào, ông Sơn cho biết, Đà Nẵng có hơn 50 dự án ven biển, với tổng vốn hơn 82.000 tỷ đồng.

Trong đó, các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt đông là 17 dự án, 8 dự án chậm triển khai và 20 dự án chưa triển khai. Còn đối với các dự án ở trung tâm thành phố, thành phố đã cấp chứng nhận cho 6 dự án, trong đó 4 dự án triển khai chậm.

Hiện tại, tất cả các dự án chậm triển khai hay chưa triển khai đã ký cam kết với thành phố về việc sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian theo cam kết, tuy nhiên hiện Luật Đất đai mới đã được ban hành, nếu quá thời gian chủ đầu tư không triển khai theo cam kết, thành phố sẽ “chiếu” theo Luật Đất đai mới thực hiện thu hồi dự án mà không bồi thường cho các nhà đầu tư.

“Chúng ta đã cam kết với các nhà đầu tư trong việc thực hiện triển khai dự án, thành phố cần phải theo dõi việc thực hiện của các nhà đâu tư đến nơi đến chốn, đừng để nhà đầu tư cam kết theo hình thức đối phó mà người ta không làm. Ngoài ra, lần này có thuận lợi là Luật Đất đai mới có hiệu lực, nếu nhà đầu tư  không thực hiện dự án trong thời gian từ 1- 2 năm sẽ thu hồi và không đền bù.

Đối với dự án làng Vân, tôi cho rằng đây là dự án lớn và chủ đầu tư của dự án này cũng đã triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam, vì vậy thành phố cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm thực hiện dự án cũng như việc bố trí TĐC, chi trả tiền đền bù cho người dân. Nhưng tôi cũng nhắc nhở các ngành chức năng là cần phải lưu ý đến yếu tố quốc phòng và đề phòng nhà đầu tư chuyển nhượng dự án”, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nói.

HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, kỳ họp thứ 11 quyết nghị một số vấn đề quan trọng:

Tiếp tục miễn thu phí trông giữ xe tại các bệnh viện công

Quyết định tiếp tục miễn thu phí trông giữ xe tại các bệnh viện công lập trên địa bàn Đà Nẵng. Quyết định giữ nguyên mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô-tô trên địa bàn thành phố để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động dịch vụ giữ xe trên địa bàn thành phố.

Thu phí 20 ngàn đồng/lượt tham quan Bảo tàng Đà Nẵng

Từ ngày 1-6-2015, Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành thu phí 20 ngàn đồng/lượt tham quan nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với hiện vật. Công dân thường trú tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, người cao tuổi từ 60 năm trở lên, người khuyết tật, trẻ em, học sinh, sinh viên, khách ngoại giao được miễn phí tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Trợ cấp 200 ngàn đồng/tháng đối với người có công cách mạng

Từ tháng 1-2015, người có công giúp đỡ cách mạng trước tháng tám năm 1945 được Nhà nước tặng “Bằng có công với nước”; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% đang hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ được hưởng mức trợ cấp 200 ngàn đồng/tháng/người. Đây là nghị quyết về việc thông qua chính sách trợ cấp hằng tháng đối với người có công với Cách mạng đang hưởng mức trợ cấp thấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hơn 5 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015

HĐND thành phố phê chuẩn kế hoạch đầu tư 5.095,240 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: bố trí đủ vốn để trả nợ gốc, lãi vay và các khoản hỗ trợ cho các tỉnh Nam Lào theo ghi nhớ của lãnh đạo thành phố, hỗ trợ tỉnh Quảng Nam; ưu tiên bố trí số vốn còn lại chưa thanh toán cho các công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán; tập trung vốn cho Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang, Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu, khối trường cũ Trường THPT Phan Châu Trinh, Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc và cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc; nút giao thông ngã ba Huế…

Quy định mức chi đảm bảo công tác hòa giải cơ sở

Theo đó, mức chi tối đa đối với trường hợp hỗ trợ chi phí mai táng cho người gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở là 5 tháng lương cơ sở; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải là 70 ngàn đồng/tổ hòa giải/tháng; chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên là 10 ngàn đồng/người/buổi…

Giá đất ở đô thị cao nhất là 22,7 triệu đồng/m²

Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng  5 năm kể từ ngày 1-1-2015. Giá đất được điều chỉnh tăng tối đa là 1,35 lần so với giá đất công bố năm 2013.

Theo đó, giá đất ở đô thị chia thành 7 loại đường ở 5 vị trí  tương ứng với 5 mức giá, cao nhất là đường loại 1 ở vị trí 1 (mặt tiền đường phố đồng bộ về hạ tầng cơ sơ, có điều kiện sinh lợi cao nhất) là 22,7 triệu đồng/m2. Giá đất ở đô thị thấp nhất tại đường loại 7, vị trí 5 (đất ven đường kiệt độ rộng dưới 1,7m) là 400.000 đồng/m².

Đất ở khu dân cư nông thôn khu vực đồng bằng, đối với đường nhựa, bê-tông xi-măng chia thành 5 vị trí ở 3 khu vực cao nhất là 1,5 triệu đồng/m², thấp nhất là 130 ngàn đồng/m². Đất ở khu dân cư nông thôn khu vực miền núi cao nhất là 500 ngàn đồng/m², thấp nhất là 42 ngàn đồng/m²

Đấu giá quyền sử dụng hơn 2.433.521m² đất

Kế hoạch sử dụng đất năm 2015. Theo đó có 255 công trình dự án có sử dụng đất với tổng diện tích 2.401,81ha, trong đó đất khu dân cư chiếm 40%. Có 157 dự án cần thu hồi đất với diện tích 2.340,75ha; 15 dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ với diện tích 167,54ha. Năm 2015, dự kiến thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 207 khu đất có tổng diện tích 2.433.521,8m²; tổ chức đấu thầu 7 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 151.966m²

MAI TRANG - S.TRUNG lược trích

TRỌNG HÙNG - ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.