.

Nặng lòng với đồng đội

.

Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Đinh Trần Thụ (ở tổ 19, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vẫn khá minh mẫn. Các tài liệu và sơ đồ thời chiến tranh được ông lưu giữ cẩn thận. Nhờ vậy, ông nhớ khá chính xác vị trí chôn cất liệt sĩ trên dãy Hải Vân Nam và nhiều lần cùng cựu chiến binh (CCB) địa phương tìm kiếm, cất bốc, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ phường.

Ông Đinh Trần Thụ xác định vị trí chôn liệt sĩ trên bản đồ. Ảnh: N.CẦU
Ông Đinh Trần Thụ xác định vị trí chôn liệt sĩ trên bản đồ. Ảnh: N.CẦU

Cách đây không lâu, từ sơ đồ mà ông Đinh Trần Thụ vẽ, mộ liệt sĩ Vũ Văn Cầu (quê Hà Nội), hy sinh năm 1969, được tìm thấy, cất bốc, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Theo ông Thụ, riêng Tiểu đoàn Công binh Hải Vân, đơn vị ông gắn bó từ năm 1967 đến ngày giải phóng Đà Nẵng, hiện còn một số người yên nghỉ giữa núi cao rừng thẳm; trong đó, 5 liệt sĩ do ông trực tiếp chôn cất là: Vũ Minh Hiếu, quê Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam, hy sinh năm 1967 khi vừa tròn 20 tuổi; Nguyễn Hồng Cậy, quê Hà Nội; Nguyễn Văn Côn, cùng quê với ông ở huyện Kim Bảng, Hà Nam; Nguyễn Văn Hiền, quê Hải Phòng và một người nữa ông không nhớ tên.    

Ký ức chiến tranh

Ông Thụ kể: “Hậu cứ của đơn vị đóng ở Hòn Quắp trên dãy Hải Vân Nam. Từ đây, các mũi đột kích tiến xuống đường đèo, dùng bộc phá, phá hủy cầu, cắt đứt đường bộ duy nhất từ Đà Nẵng ra Huế. Để bảo vệ tuyến huyết mạch này, Mỹ, ngụy xây dựng hàng chục lô cốt án ngự dọc đường đèo và cầu nào cũng có chốt canh giữ. Trên núi, khu vực sát đường, chúng gài mìn dày đặc.

Mỗi khi bị quân ta tập kích, phá hủy cầu, đối phương huy động lực lượng, trang thiết bị khắc phục sửa chữa suốt ngày đêm và liên tục pháo kích, dội bom vào các vị trí nghi quân ta ẩn náu. Ác liệt nhất là trận phá cầu Kè lưng chừng đèo Hải Vân vào giữa tháng 8-1969. Cầu Kè bị phá, địch điên cuồng bắn pháo và tung biệt kích lên núi. Chính trong trận đánh dai dẳng và ác liệt đó, tôi đã chôn cất Nguyễn Hồng Cậy và Nguyễn Văn Côn”.

“Có một người mà tôi không nhớ tên, từ ngoài Bắc được bổ sung về đơn vị mấy tháng, công tác ở bộ phận thông tin, tôi có gặp vài ba lần. Trên đường đi công tác về qua suối, cậu ấy vướng mìn, bị nước cuốn tấp vào bờ đá. Tôi và anh Hạp, quê Diễn Châu, Nghệ An, chính trị viên tiểu đoàn chôn cất cậu ấy. Nơi cậu ấy yên nghỉ là bãi bồi bên bờ suối. Chúng tôi vun cát đắp thành ngôi mộ khá to, lấy đá chèn cẩn thận”. Kể đến đây, ông Thụ rơm rớm nước mắt.

Trong ký ức của ông Thụ, hồi đó, chiến sự vô cùng ác liệt, ranh giới giữa sống và chết mong manh. Có người sáng còn háo hức vào trận, chiều đã nằm dưới mộ. Có người hôm trước quặn lòng chôn đồng đội, ngày hôm sau ngã xuống. Có chiến sĩ lập công lớn được tặng huân chương nhưng chưa kịp nhận thì hy sinh. Người nằm xuống, đồng đội tìm thấy xác, chôn cất là may mắn rồi. Có chiến sĩ hy sinh nhiều ngày sau vẫn không tìm được xác, có thể bị thú rừng ăn thịt. Các trận đánh liên tiếp diễn ra, không ai nghĩ gì cho riêng mình, cái chết đến bất ngờ và thanh thản lắm!

Đau đáu nỗi niềm

Ông Lê Xuân Hòa, nguyên Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Hiệp Nam, cho hay từ năm 1999-2001, ông Thụ hàng chục lần đi tìm đồng đội. Có chuyến, ông đưa thân nhân liệt sĩ từ ngoài Bắc vào tìm. Có đợt ông cùng các CCB phường Hòa Hiệp Nam ngược núi. Tính ra, ông đã cùng mọi người đưa về 25 bộ hài cốt liệt sĩ. Thời gian gần đây, sức khỏe yếu, không thể ngược núi nhưng ông luôn đau đáu nỗi niềm về đồng đội. Chuyến nào không đi được, ông vẽ sơ đồ khá chi tiết để các CCB tìm kiếm.

Ông Thụ tâm sự: Chuyến đi nào nhanh cũng vài ba ngày. Có đợt mưa tầm tã, đêm phải vào hang đá trú, không bị ướt nhưng chống chọi với vắt rừng đến khổ. Vắt nhiều vô kể. Có hơi người, chúng mò đến bu bám vào chỗ kín, rất khó phát hiện. Vết vắt cắn, làm cách gì cũng không cầm máu. Những chuyến sau, không ai dám vào hang đá mà căng bạt giữa rừng ngủ. Có chuyến ông bị sốt rét, chân tay tê buốt, anh em phải dìu về sớm hơn dự kiến.

Gian nan nhất là chuyến đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Lột, quê Thái Bình, vướng mìn hy sinh vào cuối năm 1968, được an táng trong hang đá cách hậu cứ khá xa. “Sau ngày giải phóng, con trai liệt sĩ Nguyễn Trọng Lột cùng chúng tôi ngược núi 3-4 lần nhưng không tìm thấy. Việc đồng đội nằm trong hang đá lạnh lẽo mấy chục năm và nỗi đau hằn trên gương mặt con trai liệt sĩ làm tôi day dứt, nhiều đêm không ngủ và quyết tâm tìm bằng được.

Tôi nhớ đợt đó, ngoài tôi còn vài ba người nữa cùng chôn cất anh ấy nên quyết định đi tìm đồng đội cũ. Hỏi dò mãi rồi cũng gặp anh Nguyễn Văn Thuận, ở Vũ Thư, Thái Bình, người cùng tôi chôn anh Lột trong hang đá. Sau khi nói rõ ý định phải tìm kiếm bằng được nơi anh Lột yên nghỉ, anh Thuận đồng ý vào Đà Nẵng cùng tôi. Thế rồi, chúng tôi đã tìm thấy và đưa anh ấy về với gia đình, quê hương. Chỉ có một liệt sĩ được an táng bên bờ suối, chúng tôi quay lại đó mấy lần, nhưng địa hình địa vật đã thay đổi, có thể đã bị lũ cuốn trôi.

Gần 30 năm kể từ ngày trở về đời thường, Đại úy Đinh Trần Thụ sống bên người vợ nguyên là đồng đội cũ cùng 2 con. Tại chính ngôi nhà của mình, ông đã tiếp đón và lo ăn nghỉ cho nhiều thân nhân liệt sĩ từ ngoài Bắc vào tìm mộ. Trong hành trang của ông luôn có tấm bản đồ khổ lớn của khu vực Nam Hải Vân. Nay ông đã yếu, không thể ngược núi như trước, cơ hội tìm mộ 5 liệt sĩ do ông chôn cất càng khó hơn.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.