.

Người mẹ của những "vầng trăng khuyết"

.

Những đứa trẻ khiếm thính đầy rụt rè, mặc cảm đã trở thành những đầu bếp điêu luyện với món ăn kiểu tây làm hài lòng cả những vị khách khó tính nhất. Điều tưởng như khó xảy ra ấy lại trở thành hiện thực khi có bà Kathleen.

Bà Kathleen và các học trò khiếm thính. Ảnh: P.TRÀ
Bà Kathleen và các học trò khiếm thính. Ảnh: P.TRÀ

Con yêu “mẹ”

Người ta rất dễ nhận ra người phụ nữ ngoại quốc với mái tóc vàng được cắt gọn gàng ôm sát khuôn mặt phúc hậu tại quán Bread of Life (số 4 Đống Đa, Đà Nẵng). Đó là bà Kathleen (63 tuổi, người Mỹ). Bà ít khi nào chịu ngồi yên một chỗ. Có lúc thấy bà tất bật trong bếp để hướng dẫn các em khuyết tật nấu một món ăn mới kiểu Mỹ, lúc lại chuyện trò cùng khách Tây mới tới và giới thiệu về quán. Chính bà đã đưa 15 đứa trẻ câm điếc từ những miền quê nghèo đến đây và dạy nấu món tây, dạy biết yêu thương, biết rằng mình còn có thể làm được nhiều việc có ích.

Khó có thể nói hết sự vất vả của ngày đầu thành lập quán. Với người bình thường, để nấu được những món ăn ngon, lại là món tây vốn không phải là điều dễ dàng, huống gì những đứa trẻ câm điếc. Dạy một lần, rồi hai lần, ba lần… và có khi phải đến hàng chục lần, các em mới hiểu được một thao tác nhỏ trong làm bánh hoặc phục vụ bàn. Nhưng Kathleen không nản lòng. Bà tìm hiểu tính cách của từng em, phát hiện khả năng của mỗi em để phân việc.

Bình nhanh nhẹn, hoạt bát thì đón khách, phục vụ bàn. Ngà có sự tỉ mỉ, nhạy cảm và cảm nhận mùi vị tốt nên đứng bếp làm món ăn, v.v… Bà nói chuyện, chỉ dạy cho học trò bằng những ký hiệu học được từ hồi làm từ thiện ở Mỹ. Đến bây giờ, các em đều khá thành thạo từng công đoạn để tạo nên một dây chuyền sản xuất bánh mì kiểu Mỹ mà bà mong muốn.

Đến với “Bread of Life”, người ta có thể thưởng thức hương vị các món ăn tây như: bánh mì, pizza, hamburger… Tất cả thu nhập từ quán Kathleen đều dành cho các em khuyết tật ở đây. Đối với Kathleen, niềm hạnh phúc nhất là khi Bình ôm choàng lấy bà và ra dấu: “Con yêu mẹ”. Hạnh phúc còn là khi chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của các em. Và đó còn là những nụ cười mà những đứa trẻ dành cho bà khi đi xa trở về…

Bà Kathleen hướng dẫn cho một trẻ khiếm thính làm bánh. Ảnh: P.TRÀ
Bà Kathleen hướng dẫn cho một trẻ khiếm thính làm bánh. Ảnh: P.TRÀ

Quê hương thứ hai

Lớn lên tại thành phố Maryville trong một gia đình trung lưu ở nước Mỹ, từ nhỏ, Kathleen đã thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em tật nguyền, nghèo khó. Cất tấm bằng thạc sĩ danh tiếng tại khoa Tâm lý học ở ĐH Cossatot Community (bang Arkansas), ngay sau khi tốt nghiệp, bà quyết định tham gia tổ chức World Care - một tổ chức làm việc, giúp đỡ người khuyết tật ở Mỹ.

Tại đây, bà đã gặp và nhận nuôi bé Candace bị cha mẹ đánh đập, hắt hủi. Bằng tình thương yêu, gia đình bà đã mang đến cho cô bé sự ấm áp. Đến giờ, Candace cùng ba người con của bà đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định tại Mỹ, Hàn Quốc.

Chọn Việt Nam - Đà Nẵng làm điểm đến của mình, Kathleen tìm đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật để giúp bọn trẻ nơi đây. Tuy nhiên, mong muốn tìm kiếm nhà tài trợ để mở một trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thính của bà gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, bà quyết định mở quán bánh mì kiểu Mỹ dành cho trẻ em khiếm thính.

“Thay vì đưa các em vào trung tâm để nuôi dưỡng thì tại sao không giúp các em có nghề để tự nuôi sống chính bản thân mình?”, bà Kathleen nói.
Rồi bà Kathleen vận động chồng con góp toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình để mở quán bánh mì kiểu Mỹ mang tên Bread of Life. Bà giải thích, Bread of Life nghĩa là bánh của sự sống. “Sự sống luôn mãnh liệt ngay cả trong những đứa trẻ tật nguyền, bất hạnh”, bà nói.

Với Kathleen, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai của mình, nơi chính bà đã tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc đời bên những đứa trẻ khuyết tật.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.