.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG Ở ĐÀ NẴNG: Còn nhiều bất cập

Bài 1: Kiểm lâm "vừa đá bóng vừa thổi còi"

.

Rừng ở Đà Nẵng không nhiều, chỉ với 57.195ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 31.114,5ha, rừng phòng hộ 9.626 ha, rừng sản xuất 16.454,6ha.

Từ trước đến nay, không ít diện tích rừng tự nhiên tài nguyên lâm sản bị cạn kiệt do nạn khai thác gỗ trái phép kéo dài đã chuyển thành rừng sản xuất. Độ che phủ rừng giảm từ 42,5% (năm 2000), xuống còn 41,6% hiện nay. Nhân lực, kinh phí được đầu tư không nhỏ, nhưng tình trạng phá rừng ở Đà Nẵng không giảm. Đâu là nguyên nhân?

Tình trạng phá rừng ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp do còn những bất cập trong quản lý Nhà nước về rừng.
Tình trạng phá rừng ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp do còn những bất cập trong quản lý Nhà nước về rừng.

Hiện nay, việc quản lý Nhà nước về rừng bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập nổi cộm nhất là không phân biệt rạch ròi về chủ thể của chủ rừng. Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21-12-1998 và Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và bảo vệ rừng đã phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các cấp rất cụ thể và rõ ràng. Quyết định cũng quy định chi tiết quyền hạn, trách nhiệm của chủ rừng trong bảo vệ, phát triển rừng.  

Các quyết định của Chính phủ cũng quy định rất rõ trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm trong quản lý bảo vệ rừng. Với Chi cục Kiểm lâm, tại mục 3 Điều 4 Quyết định 245 ghi:  “Chi cục Kiểm lâm là cơ quan thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức phối hợp với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn để tuần tra truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng”.

Quyết định rõ ràng là vậy, thế nhưng ở Đà Nẵng, kiểm lâm trực tiếp làm chủ rừng tại một số khu vực. Trước đây, cả 3 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn đều do kiểm lâm quản lý. Nay Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa; hai khu bảo tồn ở Sơn Trà và Nam Hải Vân vẫn do cơ quan kiểm lâm làm chủ rừng. Ngày 15-10-2013, UBND thành phố  đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng) tại các khu rừng đặc dụng này cho Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu.

Cơ quan kiểm lâm vừa là chủ rừng vừa thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng, điều gì sẽ xảy ra? Ai kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm về rừng của cơ quan này? Được giao sổ hồng, hạt kiểm lâm có toàn quyền sử dụng đất trong khu vực được giao. Ai dám chắc họ quản lý sử dụng đất lâm nghiệp tại đó đúng quy định? Phải chăng, một số đơn vị, cá nhân sử dụng trái phép đất lâm nghiệp tại Sơn Trà, Nam Hải Vân thời gian qua, bắt nguồn từ sự bất cập này. Và đây là hệ lụy của tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng ở Đà Nẵng thời gian qua.

Vẫn biết, giao kiểm lâm làm chủ rừng, cơ quan chức năng đã “lách” từ Nghị định 117/2010/NĐ- CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ về “Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng”. Tại điểm 3 mục I, Chương III Nghị định này nêu: Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có 1 khu rừng đặc dụng không đủ điều kiện về diện tích (5.000ha trở lên) chưa thành lập ban quản lý thì giao cơ quan kiểm lâm quản lý.

Sự vận dụng nêu trên hoàn toàn không phù hợp, bởi tại điểm 2 mục I Chương III Nghị định này nêu: Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có nhiều khu rừng đặc dụng không đủ điều kiện về diện tích (từ 5.000ha trở lên) để thành lập riêng Ban quản lý thì thành lập Ban quản lý chung. Và như vậy, giao 3 khu rừng đặc dụng trên địa bàn Đà Nẵng cho Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa quản lý và đổi tên thành Ban quản lý rừng đặc dụng Đà Nẵng, có lẽ hợp lý hơn nhiều. Ngoài ra cũng có thể  giao các khu rừng đặc dụng này cho chính quyền địa phương trực tiếp quản lý với vai trò chủ rừng.

Rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa, không chỉ giàu tài nguyên động thực vật mà còn là khu vực có tầm quan trọng rất lớn trong cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo đảm nguồn nước cho phía hạ du, nhất là mùa khô hạn. Đúng ra, chủ rừng và cơ quan kiểm lâm phải đặc biệt ưu tiên bảo vệ khu rừng này.

Thế nhưng, nhiều năm qua, việc bảo vệ rừng tại đây chưa thật chú trọng, lực lượng quá mỏng. Với 26.751,3ha rừng chỉ có 17 cán bộ, nhân viên (CBNV) của Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa đảm nhiệm, trong đó 10 người trực tiếp bám rừng. Trong khi theo Nghị định 117, thực thi pháp luật trong lĩnh vực rừng tại đây phải có 54 CBNV kiểm lâm (500 ha/một kiểm lâm). Hạt kiểm lâm này phải có các trạm cửa rừng. Thế nhưng, mấy năm qua, 10 CBNV kiểm lâm tại đây phải ăn nhờ, ở đậu tại 5 trạm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa.

Nói đúng hơn cả chủ rừng và người thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng ăn ở cùng một chỗ. Thực trạng này, liệu kiểm lâm có xử lý được chủ rừng khi để rừng bị tàn phá? Trong khi đó, tại rừng đặc dụng Sơn Trà, chỉ 2.520,2ha, ở địa bàn khá an toàn, có hẳn một hạt kiểm lâm với 14 CBNV quản lý. Tương tự, ở Nam Hải Vân, rừng đặc dụng chỉ còn 1.168ha, chủ yếu rừng nghèo, đồi núi trọc, có 13 CBNV của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu trấn giữ.

Lực lượng mỏng, ở nhờ đơn vị khác là một trong các nguyên nhân dẫn đến rừng Cà Nhông bị tàn phá hết sức nghiêm trọng thời gian qua. Với gần 5.000 ha, khu vực rất giàu gỗ quý, xa xôi cách trở, chỉ 2 kiểm lâm viên, liệu họ có đủ khả năng đương đầu với lâm tặc áp đảo về số lượng và rất hung hãn mỗi khi hành vi phá rừng của chúng bị phát hiện, xử lý.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.
.