Công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm luôn được Thành Đoàn Đà Nẵng xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2014, Thành Đoàn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Cán bộ Đoàn đến tận nhà động viên, cảm hóa những thanh-thiếu niên hư, chậm tiến. |
Những con số được đưa ra như 4.276 buổi tuyên truyền pháp luật lồng ghép về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, thu hút hơn 150.000 đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia, đã minh chứng những nỗ lực của Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn Đà Nẵng trong việc tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Trước đây, Đoàn cơ sở các cấp thường tổ chức các hoạt động tuyên truyền như vậy tại trụ sở hành chính thì nay đến tận khu dân cư, tập trung được nhiều người dân tham gia, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội.
Song song đó, nhiều hình thức tuyên truyền khác được thực hiện như: phát tờ rơi, tờ bướm đến tận tay người dân, thanh niên; treo băng-rôn, cờ phướn, pa-nô, áp-phích có nội dung phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và HIV/AIDS tại các nơi có đông người qua lại như: chợ, khu công nghiệp, trường học... nhằm nâng cao tinh thần phòng chống tội phạm trong cộng đồng.
Ngoài công tác tuyên truyền, Thành Đoàn thực hiện các hoạt động gắn với thực tế. Đó là Đoàn cơ sở các cấp tiếp tục tham gia tích cực CLB công tác xã hội và phòng, chống tội phạm tại các phường trên địa bàn thành phố; dựa vào thực tế tại địa phương để có các chương trình hành động cụ thể giúp người sau cai cũng như thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật…
Nói về CLB Tương Lai (giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai), chị Dương Huỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu), cho biết để người sau cai hòa nhập cộng đồng, cần thiết phải quan tâm cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhận thức được điều này, các thành viên CLB luôn tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng sau cai trên địa bàn phường để giúp đỡ kịp thời. “Như trường hợp anh Nguyễn Công Sơn, sau khi hoàn lương, không có việc làm, chúng tôi đã giới thiệu anh sơn nhà cửa cho các hộ dân và tìm việc làm cho cả vợ anh. Đến nay, anh đã hòa nhập cộng đồng và trở thành tuyên truyền viên tích cực”, chị Trang phấn khởi nói.
Để cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục một thanh- thiếu niên hư, chậm tiến, phòng trường hợp quay trở lại con đường trộm cắp, dính vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, Thành Đoàn thực hiện mô hình 3+1 (1 thanh-thiếu niên chậm tiến do 1 cán bộ Thành Đoàn, 1 cán bộ Quận Đoàn, 1 cán bộ Đoàn phường kèm cặp). Trong năm 2014, Thành Đoàn đã nhận cảm hóa 43 thanh-thiếu niên chậm tiến, tính đến tháng 10-2014 đã có 20/43 em có biểu hiện tiến bộ.
Theo anh Hồ Tấn Phước, Bí thư Đoàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), hầu hết các trường hợp thanh niên rơi vào tệ nạn xã hội hoặc có nguy cơ dính vào tệ nạn xã hội đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không hạnh phúc hoặc thất học, không có việc làm… Do đó, để công tác cảm hóa đạt hiệu quả, Đoàn phường không chỉ tạo việc làm cho các em mà cả cho người thân các em. Đến nay, thông qua sự hỗ trợ của Đoàn phường, 12 trường hợp đã có việc làm ổn định.
Nhằm ngăn ngừa tệ nạn xã hội vào trường học, Thành Đoàn tiếp tục phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức cho thanh-thiếu niên, học sinh, sinh viên đăng ký cam kết thực hiện “Không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy”, “Không vi phạm pháp luật”. Đoàn Thanh niên của tất cả các trường đều tổ chức ra quân phòng, chống ma túy và ký kết thực hiện 3 không “Không thử, không giữ, không sử dụng ma túy”…
Song, nhiều hoạt động của Đoàn còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ. Hơn nữa, cán bộ Đoàn tham gia công tác phòng, chống ma túy còn hạn chế về khả năng tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến do thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo nghiệp vụ. Vì vậy, Thành Đoàn đang triển khai một số kế hoạch để tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, nâng cao hiệu quả, vai trò của thanh niên trong phòng, chống tệ nạn xã hội.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ