Giám sát việc xả nước thải vào Âu thuyền Thọ Quang
Hỏi: Âu thuyền Thọ Quang bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến ngành du lịch và đời sống của những hộ dân xung quanh. Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố quan tâm có hướng xử lý (Cử tri phường Thuận Phước).
Trả lời:
Âu thuyền Thọ Quang là nơi tiếp nhận nhiều nguồn chất thải khác nhau. Bao gồm nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, nước thải và chất thải sinh hoạt từ khu vực chợ cá, tàu đánh cá… không được thu gom và xử lý đã lắng đọng trong thời gian dài tích tụ tạo lớp bùn đáy lớn, phân hủy gây mùi hôi thối khó chịu nhất là vào thời điểm thủy triều rút hay thời tiết nắng nóng, thay đổi bất thường.
Để giảm thiểu mùi hôi do âu thuyền gây ra, trong năm 2014, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các biện pháp như: nạo vét các địa điểm ô nhiễm tại âu thuyền, thực hiện phun chế phẩm khử mùi hôi tại các cửa xả số 1, 2, 3 và cửa xả phía Nam âu thuyền từ tháng 4-2014 (2 lần/tuần); điều chỉnh quy trình vận hành Trạm bơm thông thủy âu thuyền hiệu quả và phù hợp với chế độ thủy triều để giảm thiểu ô nhiễm tại khu vực xuống mức thấp nhất có thể. Ngoài ra, hệ thống cống bao tại phía Đông âu thuyền để thu gom nước thải tại các cửa xả ST4/1, ST4/2, ST4/3; ST4A/1, ST5/1, ST5/2 đưa về Trạm xử lý Sơn Trà do Ban Quản lý Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thực hiện đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải quản lý vận hành.
Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là đơn vị quản lý âu thuyền cũng thường xuyên giám sát việc xả nước thải vào âu thuyền; dọn vệ sinh môi trường, vớt rác trên mặt nước, bờ kè và thu gom một phần nước thải từ khu vực chợ cá để xử lý. Với những giải pháp đã và đang thực hiện như trên và sau khi Trạm xử lý nước thải Sơn Trà được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành thì tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực được cải thiện.
Quản lý chặt các lô đất trống
Hỏi: Hiện nay, trên địa bàn phường Hòa Cường Nam có 22 lô đất trống có diện tích trên 500m2 và 750 lô đất dưới 500m2 chưa làm công trình hoặc nhà ở. Tuy lãnh đạo thành phố có văn bản giao cho các sở, ban, ngành quản lý nhưng cần có kế hoạch, thời gian quản lý cụ thể, bởi vì việc quản lý các lô đất trống này thời gian qua lơ là, hiệu quả chưa cao. Việc giao cho địa phương quản lý các lô đất trống nhỏ nhưng nhỏ là bao nhiêu? Cần quy định cụ thể (Cử tri phường Hòa Cường Nam).
Trả lời:
Đối với các lô đất trống trên địa bàn quận Hải Châu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành dọn vệ sinh 22 lô đất trống, trong đó tại phường Hòa Cường Nam đã thực hiện dọn vệ sinh 9 lô đất trống trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Cách Mạng Tháng Tám và 11 lô đất trống, vỉa hè đoạn từ chân cầu Tiên Sơn đến chân cầu Hòa Xuân tại tuyến đường Thăng Long. Các lô đất trống trên sau khi đã được dọn vệ sinh, Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho UBND quận Hải Châu quản lý.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan tại các lô đất trống trên địa bàn quận, UBND quận Hải Châu đã có Công văn số 705/UBND-TNMT đề xuất sử dụng tạm 40 vị trí (khoảng 140 lô đất trống) và đã được UBND thành phố thống nhất tại Công văn số 2473/VP-QLĐTh ngày 10-9-2014.
Mặt khác, để quản lý hiệu quả các lô đất trống trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý môi trường các lô đất trống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2014 - 2015 (Kế hoạch số 9104 /KH-UBND ngày 10-10-2014).
Giảm mùi hôi thối do nước thải
Hỏi: Khu xử lý nước thải Đò Xu bốc mùi hôi thối, cơ quan chức năng đã xử lý nhưng chưa triệt để. Kính đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý (Cử tri phường Hòa Cường Nam).
Trả lời:
Khu xử lý nước thải Hòa Cường (Đò Xu) có 2 vị trí phát sinh ô nhiễm là chân cầu Hòa Xuân và trạm bơm Khuê Trung đưa nước thải từ khu vực phía Nam sân bay về Trạm xử lý Hòa Cường (nằm trên đường Hồ Nguyên Trừng - Huỳnh Tấn Phát).
Trong đó, vị trí chân cầu Hòa Xuân là điểm xả nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải Hòa Cường nằm tại mố cầu thứ nhất là điểm gây mùi hôi thường xuyên và liên tục. Tại cửa xả này vào một số thời điểm nước thải ra có bọt trắng, có mùi hôi (do công nghệ xử lý nước thải của trạm là công nghệ sinh học kỵ khí), nhất là vào những ngày nắng nóng. Để giảm thiểu tác động do mùi hôi đến khu vực dân cư xung quanh, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã thiết kế đường ống xả ngập trong nước để nước thải phân tán ra xa, kết hợp với việc thường xuyên phun chế phẩm sinh học, chất dập bọt,…
Ngoài ra, UBND thành phố đã đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân với công suất 20.000 m3/ngày đêm, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành để xử lý một phần nước thải thu về Trạm xử lý nước thải Hòa Cường. Theo đó, khoảng 17.000 m3/ngày đêm (tương đương 2/3 lượng nước thải) về Trạm xử lý nước thải Hòa Cường sẽ được đưa về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân để xử lý; lượng nước thải còn lại khoảng 10.000 m3/ngày đêm sẽ tiếp tục xử lý tại Trạm Hòa Cường, nước thải sau xử lý sẽ đưa ra sông Cẩm Lệ tại vị trí kênh Khuê Trung-sông Cẩm Lệ, không thải ra vị trí chân cầu Hòa Xuân như hiện nay.
Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực cầu Hòa Xuân sẽ được giải quyết.
Mặt khác, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tăng cường xử lý và khắc phục ô nhiễm đoạn kênh hở Khuê Trung - Đò Xu như: nạo vét hố ga trạm bơm, tăng cường phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi phát sinh với tần suất liên tục; sử dụng sản phẩm khoáng hóa LTH 88 phun, tạt trên bề mặt kênh để xử lý mùi hôi kết hợp làm trong nước và phun LTH 100 để xử lý tảo; định kỳ cho xe hút hút váng tảo nổi trên bề mặt kênh; tiến hành chặn dòng nước từ hồ Đò Xu vào kênh Khuê Trung bằng bao tải cát và dùng bơm hút cạn nước trong kênh. Đến nay, tình trạng ô nhiễm mùi hôi đã được cải thiện.
B.T