.

Văn hóa chống tham nhũng

Những ngày đầu tháng 12, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII trong đợt tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện. Nhiều ý kiến cử tri đề nghị với Quốc hội rằng, công tác phòng, chống tham nhũng cần quyết liệt hơn và cho rằng tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, giám sát kê khai tài sản thiếu chặt chẽ…

Về chuyện chống tham nhũng, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi từng được ông Soh Kee Hean, Giám đốc cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore, chia sẻ kinh nghiệm của đảo quốc này nhân dịp ông có chuyến làm việc tại Đà Nẵng.

Theo ông Soh Kee Hean, trước khi giành độc lập từ Anh quốc, Singapore đã có cơ quan chống tham nhũng từ năm 1952, nhưng hiệu quả hoạt động hạn chế bởi hệ thống pháp luật và ý thức của công chức đều rất yếu. Nay thì cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore có đầy quyền lực trong một hệ thống pháp luật đầy đủ và người dân ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với mọi hoạt động của công sở. Những biện pháp chế tài khắt khe đối với công chức hoặc khu vực tư nhân có hành vi tham nhũng đã được thi hành, thủ tục hành chính được cải cách gọn nhẹ và tiến bộ của công nghệ thông tin đã góp phần làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với công chức… Tất cả làm công tác chống tham nhũng hiệu quả thấy rõ.

Ông Soh Kee Hean nói rằng, nếu một công chức đục khoét ngân sách hay tham nhũng ở mức 1 triệu đô-la Singapore (1 đô-la Singapore = 0,7 USD), mức hình phạt là 7 năm tù và phải bồi thường tất cả số tiền đã biển thủ.

Nếu không trả lại đủ thì thời gian “đếm lịch” sẽ tăng lên. Nhưng quan trọng hơn: “Chính phủ Singapore khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan ngôn luận đưa đầy đủ nhân thân, hình ảnh và hành vi phạm tội của kẻ tham nhũng lên mặt báo. Nếu cảm thấy thông tin chưa đủ, các nhà báo sẽ được cơ quan chống tham nhũng cho tiếp cận hồ sơ để bổ sung. Người Singapore hay người châu Á nói chung đều trọng danh dự, nên khi bị nêu lên báo, ý nghĩa răn đe, ngăn chặn càng có hiệu quả cao hơn…”, ông  Soh nhấn mạnh.

Đối với khu vực tư nhân, các công ty đưa hối lộ trong quá trình giao dịch sẽ bị xử nặng hơn và cơ quan điều tra chống tham nhũng sẽ có quyền chấm dứt ngay các dự án, các hợp đồng đang thực hiện và “bêu danh” lên “sổ đen” tham nhũng.

Để làm được việc đó, người làm công tác chống tham nhũng của Singapore phải là công chức hành chính thanh liêm chứ không phải là các nhân vật chính trị. Cơ quan điều tra chống tham nhũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền trong lĩnh vực này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Trong trường hợp Thủ tướng phạm tham nhũng, cơ quan này sẽ trình Tổng thống Singapore cho phép điều tra. Các cơ quan khác (chẳng hạn như cảnh sát) khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng ở bất cứ đâu cũng phải chuyển cho cơ quan điều tra chống tham nhũng thực hiện, dù đó là các vụ án thuộc các quan chức chính trị, pháp luật, cơ quan công quyền hay xã hội tư nhân và ở bất cứ cấp nào.

Để ngăn ngừa tham nhũng, lương công chức Singapore đều tương ứng với mức lương ở khu vực tư nhân liên quan. Khi lương khu vực tư tăng, lương công chức cũng tăng và ngược lại. Nhưng lương không thôi thì chưa đủ, mà pháp luật chống tham nhũng phải luôn được điều chỉnh để không còn kẽ hở cho mọi sự lợi dụng và việc thực thi pháp luật phải đủ mạnh.

Giám đốc cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore còn đặc biệt lưu ý: “Văn hóa chống tham nhũng của chúng tôi không phải chỉ có vậy. Nó bén rễ trong xã hội bằng một chính sách giáo dục dài lâu. Cơ quan tôi chịu trách nhiệm của công tác này với sự hỗ trợ của các bộ, ngành khác. Nó được chia làm 2 chương trình: giáo dục cho cộng đồng và giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn nhỏ dưới nhiều hình thức sinh động và hấp dẫn nhưng rất nghiêm túc.

Tất cả nhằm tạo cho mọi công dân hiểu về hậu quả an ninh của một đất nước nếu chìm sâu trong tệ tham nhũng, về danh dự, lòng tự trọng và giá trị đạo đức của con người và cả dân tộc. Các hiệu trưởng cũng được đào tạo để đưa chương trình này lồng ghép vào các chương trình của nhà trường. Sinh viên các trường cao đẳng và đại học có chương trình riêng, như lồng ghép với các giáo trình hành chính công, quản lý tài chính hoặc tham quan tìm hiểu công tác ở các cơ quan nhà nước…”.

Chúng tôi hỏi người đừng đầu cơ quan chống tham nhũng Singapore rằng, chống tham nhũng bằng các hình phạt, giám sát hay chế tài nghiêm ngặt là chuyện phần ngọn, còn phần gốc của văn hóa chống tham nhũng là một chương trình giáo dục sâu rộng. Ông Soh Kee Hean bảo: “Đúng như vậy. Đó là con đường bền vững và lâu dài!”.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.