.
85 MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2015)

85 năm đảng cộng sản Việt Nam - tiếp cận từ đổi mới phát triển xã hội

I. Yêu cầu đổi mới con đường phát triển đất nước và sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, đến năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, nước ta từ một nước độc lập, có chủ quyền trở thành một nước thuộc địa, phụ thuộc. Lịch sử đặt ra cho dân tộc ta nhiệm vụ tìm kiếm con đường cứu nước, giành độc lập dân tộc, cũng có nghĩa là lựa chọn con đường đổi mới phát triển  đất nước.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều cương lĩnh của các lực lượng yêu nước, các đảng phái ở Việt Nam được đưa ra, nhưng “các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”(1). Đó là lúc dân tộc ta đứng trước một cuộc khủng hoảng về đường lối và phương pháp cứu nước, cũng có nghĩa là khủng khoảng về con đường phát triển.

Muốn tìm ra con đường phát triển mới mà lịch sử Việt Nam đặt ra, cần phải có một tư tưởng đúng, một cách nhìn nhận đúng để tiếp cận và tiếp thu chân lý thời đại.

Đầu thế kỷ XX, những tiền đề để giải quyết cuộc khủng hoảng đường lối trong cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Đó là sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam và sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Nguyễn Ái Quốc là người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và có công đầu tiên thực hiện sự kết hợp tài tình giữa phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta với phong trào cách mạng vô sản thế giới, mở ra cho nhân dân ta một phương hướng cứu nước hết sức đúng đắn. Người nói:“…

Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ (2). Và Người rút ra kết luận về con đường phát triển tất yếu mà dân tộc ta phải đi qua: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản (3).

Tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức được vị trí lịch sử cũng như khả năng và triển vọng của giai cấp công nhân: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam.” (4) Để giai cấp công nhân làm tròn sứ mệnh của mình, Người chỉ ra rằng trước hết cần phải có đảng cách mạng. Đảng đó phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” (5).

Chính vì vậy, Người ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân.

Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, ngoài phong trào công nhân, phong trào yêu nước là mảnh đất tốt để hạt giống chủ nghĩa Mác – Lênin đâm chồi nảy lộc và phát triển một cách thuận lợi. Chủ nghĩa yêu nước chân chính là một điều kiện để tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin. Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng: hệ tư tưởng tư sản của giai cấp tư sản và hệ tư tưởng Mác - Lênin của giai cấp công nhân. Đây là cuộc đấu tranh giữa hai con đường phát triển của Việt Nam, con đường cách mạng tư sản và con đường cách mạng vô sản.

Cuộc đấu tranh đó quyết định xu hướng tiến lên ngang tầm thời đại của dân tộc Việt Nam. Sự chuyển biến tư tưởng của những người yêu nước từ lập trường tiểu tư sản sang lập trường chủ nghĩa xã hội, nói lên rằng ngoài đường lối, phương pháp cách mạng của giai cấp công nhân, mọi đường lối và phương pháp cách mạng khác đều tỏ ra cũ kỹ, không có khả năng đánh đổ được chế độ thuộc địa, đưa cách mạng giải phóng dân tộc tiến kịp xu thế thời đại.

Tháng 2-1930, ở Việt Nam xảy ra hai sự kiện lịch sử quan trọng quyết định chiều hướng phát triển của dân tộc. Ngày 9–2–1930, khởi nghĩa Yên Bái nổ ra và thất bại, điều đó chứng tỏ sự non yếu của giai cấp tiểu tư sản Việt Nam và sự thất bại của hệ ý thức tư sản. “Cuộc bạo động Yên Bái năm 1930 chỉ phản ánh hoài vọng của một nền kinh tế tư sản dân tộc mới ló mầm ra đã bị đè bẹp; và cuối cùng tầng lớp tiểu tư sản trí thức lãnh đạo cuộc cách mạng đó cũng đi vào con đường thỏa hiệp” (6).

Ngày 3–2–1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã đáp ứng đòi hỏi của phong trào công nhân, nhưng cũng đáp ứng yêu cầu của dân tộc. Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của dân tộc. Việc thành lập Đảng là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định nhất, khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Qua thực tiễn lãnh đạo 3 phong trào cách mạng: cao trào 1930 – 1931 và đấu tranh chống khủng bố trắng từ 1932 – 1935, cao trào dân chủ 1936 – 1939, cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 – 1945 và Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.

Như vậy, Đảng ta ra đời và trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam là do nhu cầu đổi mới con đường phát triển đất nước.

(Còn nữa)

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 109

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 128

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 314

(4) Hồ Chí Minh: Sđd,  t.10, tr. 9

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2,  tr. 268

(6) Lê Duẩn: Tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 74

;
.
.
.
.
.