(Tiếp theo)
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, do tình hình quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp, trong giai đoạn 1945 - 1946 khi thù trong, giặc ngoài tìm cách tiêu diệt chính quyền non trẻ, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, với tư tưởng “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, Đảng ta hy sinh quyền lợi của mình, chia sẻ quyền lực cho các đảng phái như: Việt Nam quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)(1) 70 ghế trong quốc hội và một số ghế trong chính phủ và bản thân Đảng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Khi quân Tưởng rút về nước, bè lũ Việt Quốc, Việt Cách lộ rõ bộ mặt phản động, chạy trốn theo quân đội nước ngoài.
Tiếp đó, Đảng ta lãnh đạo tiến hành hai cuộc kháng chiến: chống Pháp từ năm 1945 đến 1954, chống Mỹ từ năm 1954 đến 1975 lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cũng nói thêm rằng, trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng, để tập hợp lực lượng toàn dân tộc, năm 1944, Đảng Dân chủ Việt Nam là chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam ra đời và tham gia Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1946, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ, dưới sự vận động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập và gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Vì vậy, từ năm 1945 đến 1988 ở nước ta có nhiều đảng chính trị, thậm chí giai đoạn 1945 - 1946 tồn tại nhiều đảng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến năm 1988 khi hai đảng Xã hội và Dân chủ tự giải tán, ở nước ta chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của một đảng duy nhất không phải là ý muốn chủ quan của những người cộng sản. Trong thời kỳ tồn tại nhiều đảng, các đảng Xã hội và Dân chủ, thậm chí, trong hai lần lập chính phủ liên hiệp nhiều đảng, nhiều lực lượng chính trị(2), song Đảng ta vẫn giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và lãnh đạo xã hội và các đảng đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, có một số ý kiến lập luận rằng, ở một nước nếu chỉ có một đảng cầm quyền sẽ không bảo đảm dân chủ, sẽ dẫn đến độc tài. Họ cho rằng, nước ta đã có một thời tồn tại chế độ đa đảng, kể cả đảng đối lập với Đảng Cộng sản, vì vậy theo họ, để bảo đảm dân chủ, nước ta nên thiết lập chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng. Đòi hỏi đó là không phù hợp với lịch sử và không thực tế.
Thứ nhất, nghiên cứu bức tranh chính trị - xã hội các nước trên thế giới hiện nay cho thấy: các nước có chế độ nhiều đảng chính trị; các nước theo chế độ một đảng (Cuba, Eritrea, Iran, Lào, Sahrawi, Syria, Triều Tiên, Trung Quốc, Turkmenistan, Việt Nam); thậm chí có nước thuộc chế độ không đảng (Brunei).
Thực tiễn lịch sử cho thấy rằng, vấn đề dân chủ trong xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: truyền thống văn hóa, trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân; thể chế chính trị, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị; trong đó yếu tố bản chất giai cấp của đảng cầm quyền, phẩm chất năng lực của đảng xét theo tổng thể; cương lĩnh, đường lối của đảng; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, v.v… là quyết định, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng các đảng chính trị.(3)
Thứ hai, việc đòi hỏi thực hiện chế độ chính trị đa nguyên và đa đảng không phù hợp với thực tiễn lịch sử chính trị Việt Nam. Sự khảo nghiệm nghiêm khắc của lịch sử đấu tranh cách mạng ở Việt Nam 85 năm qua cho thấy rằng, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối có khả năng lôi cuốn, tập hợp được đông đảo nhân dân đấu tranh cho mục tiêu độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội của đất nước.
Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thành công sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do và tiếp bước sang công cuộc xây dựng CNXH và nền dân chủ XHCN. Đó là một tất yếu tự nhiên của dòng chảy liên tục đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công CNXH đã được xác định từ năm 1930.
Như vậy, sự ra đời và phát triển của Đảng ta là do yêu cầu đổi mới con đường phát triển của đất nước và chính sự lãnh đạo của Đảng cũng là nhân tố bảo đảm cho quá trình đổi mới đó. Trong 85 năm qua, Đảng ta có những quyết định quan trọng trong những thời điểm “ngặt nghèo” của lịch sử để đưa cách mạng tiến lên. Trong thời kỳ đổi mới (từ 12-1986 đến nay), Đảng ta không thừa nhận chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng là một quyết định đúng đắn, thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng. Quyết định đó được thực tiễn gần 30 năm đổi mới vừa qua kiểm nghiệm là hoàn toàn đúng đắn và chính xác, không chỉ bảo vệ những thành quả cách mạng, mà còn bảo đảm sự ổn định chính trị cho quá trình đổi mới con đường phát triển của đất nước.
(Còn nữa)
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
(1) Việt Nam quốc dân Đảng do Vũ Hồng Khanh đứng đầu, Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần đứng đầu.
(2) Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa giai đoạn 1945 – 1946 và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ năm 1969 đến tháng 7-1976.
(3) Xem: Mạch Quang Thắng: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với vấn đề dân chủ trong xã hội”. In trong: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Bảy mươi năm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 383 - 395.