(Tiếp theo)
Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng nghiên cứu, tổng kết lý luận và học tập kinh nghiệm các nước và đã tìm ra con đường phát triển xã hội của đất nước.
Vì vậy, đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cương lĩnh đã bổ sung, phát triển mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.(1)
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề ra các phương hướng cơ bản và các mối quan hệ lớn cần giải quyết để phát triển xã hội, phát triển đất nước.
Cùng với việc đề ra đường lối để phát triển xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quản lý phát triển xã hội phải thông qua Nhà nước. Vì vậy, Đảng chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đủ mạnh. Nhà nước Việt nam XHCN là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa làm nền tảng, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo con đường XHCN, thực hiện CNH, HĐH đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Đại hội XI chủ trương phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện mới.
Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường XHCN, đại đoàn kết dân tộc phải lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Đó là mục đích tối thượng để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng CNXH nói chung và CNH, HĐH nói riêng.
Nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng chủ trương: Thực hiện tốt liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, đoàn kết chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân lao động khác, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ... cùng những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài muốn góp phần xây dựng đất nước nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Để thực hiện sự đồng thuận xã hội, Đảng đề ra chính sách xã hội đối với các giai cấp, tầng lớp, các thành phần xã hội, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng chính sách an sinh xã hội trong quá trình phát triển.
Trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trong nước và thế giới có những biến đổi nhanh chóng, giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đối với xã hội là phải đổi mới quản lý xã hội và phát triển xã hội. Điều đó, đòi hỏi Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là đối với Nhà nước và đây là vấn đề có vị trí hết sức quan trọng trong. Tuy nhiên, do phương thức lãnh đạo không phải “nhất thành bất biến” mà phải thay đổi cùng với sự thay đổi của nhiệm vụ cách mạng, của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, của các đối tượng mà Đảng lãnh đạo, vì vậy, Đảng ta một mặt, hết sức coi trọng việc bổ sung đường lối, mặt khác lại rất quan tâm đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là khâu quan trọng nhất của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “…Phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước”.(2) Bởi lẽ, Nhà nước là công cụ mạnh nhất, quan trọng nhất trong việc đưa toàn xã hội vào việc thực hiện mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đây là vấn đề phức tạp và cũng là khó khăn nhất.
Do tầm quan trọng của vấn đề, phải xuất phát từ thực tiễn, qua thử nghiệm trong thực tiễn, Đảng ta mới từng bước xác định được phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và không ngừng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để làm cho phương thức lãnh đạo ngày càng thích hợp nhằm thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
(Còn nữa)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 144.