Từ khi ra đời ngày 28-3-1930 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn quê hương (ngày 29-3-1975), qua 45 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiến hành 10 lần Đại hội, trong đó có 3 lần Đại hội để lại dấu ấn quan trọng, mang tính quyết định đến phong trào cách mạng tỉnh nhà.
1. Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh (6-1-1949) - Đại hội thực hiện chủ trương “kháng chiến, kiến quốc”
Tháng 1-1949, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá: so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đang diễn ra xu hướng thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Hội nghị chủ trương: “Động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, giành kỳ được độc lập và dân chủ thật sự”.
Trên tinh thần đó, vào ngày 6-1-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ nhất họp tại xã Tam An, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Phú Ninh). Đại hội nhận xét: Việc củng cố tổ chức, ổn định tình hình ở các vùng đã đi vào nền nếp. Phong trào du kích chiến tranh đã được phát động và ngày càng phát triển.
Đại hội chủ trương: Đẩy mạnh các mặt hoạt động vào vùng địch chiếm, nhất là Đà Nẵng, Hội An và dọc đường Đà Nẵng - Huế. Phát động du kích chiến tranh, xây dựng cơ sở vũ trang, chính trị, địch vận và mở rộng công tác vận động quần chúng sẵn sàng phục vụ bộ đội đánh địch. Huy động toàn dân tích cực chuẩn bị đề phòng những cuộc tiến công, nhảy dù hay đổ bộ của giặc vào vùng tự do. Tăng cường công tác bố phòng ven biển, dọc quốc lộ, thực hiện công tác cảnh giác, phòng gian bảo mật, cất giấu tài sản, sẵn sàng đối phó với địch trong mọi tình huống.
Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội chủ trương: Tiếp tục cuộc thi đua nội bộ, xác định lại tiêu chuẩn kết nạp đảng viên. Phát triển phải đi đôi với củng cố. Nghị quyết quy định chế độ sinh hoạt cho các cấp và chi bộ, nội dung kiểm thảo trong các kỳ sinh hoạt... Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 25 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu được bầu làm Bí thư. Các đồng chí Lê Bình và Cao Sơn Pháo làm Phó Bí thư.
Đại hội lần này có ý nghĩa đã đề ra các chủ trương nhằm đẩy mạnh phong trào kháng chiến đi vào chiều sâu, nâng cao nội dung làm chủ vùng du kích, đẩy mạnh hoạt động trong thành phố, thị xã và bố phòng xây dựng vùng tự do. Tuy nhiên, Đại hội có nhược điểm là trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ nặng đề cao thành phần tiểu tư sản, trí thức, không chú ý đúng mức thành phần công nông.
2. Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (tháng 1-1960) - Đại hội đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ
Nghị quyết 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), ra đời đã khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...”.
Nhằm đưa phong trào cách mạng theo tinh thần Nghị quyết 15, tháng 1-1960 tại thôn Adhur, bên dòng sông A Vương (nay thuộc xã A Rooi, huyện Đông Giang). Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội lần thứ IV. Đây là Đại hội đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đại hội tiến hành trong 15 ngày, nghiên cứu Nghị quyết 15, kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh từ sau khi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đề ra phương hướng nhiệm vụ theo chủ trương mới của Đảng.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh từ sau ngày hòa bình lập lại đến hết năm 1959 và nhận định tình hình địch, ta, theo phương hướng Nghị quyết 15, Đại hội đã đề ra phương hướng hoạt động: Phải tạo mọi điều kiện để tiến công hạ uy thế địch, khôi phục phát huy uy thế quần chúng, mở rộng và phát triển lực lượng cách mạng ở đồng bằng; ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào cách mạng trong tỉnh. Nhiệm vụ cách mạng ở đồng bằng vừa tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, vừa móc nối xây dựng lại cơ sở Đảng, rút thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang. Phương châm hoạt động là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội nhận thấy việc khôi phục tổ chức Đảng, phát triển đảng viên còn chậm. Số lượng cơ sở rất ít và không đều, nhiều vùng rộng lớn chưa có cơ sở. Phần lớn đảng viên và cơ sở quần chúng là những đối tượng “tình nghi can cứu” nên bị địch theo dõi rất khó hoạt động. Trước tình hình đó, Đại hội xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới, phải kiên trì, thận trọng trong việc phát triển cơ sở, cũng như phát triển đảng viên mới, ra sức kiện toàn lại bộ máy Đảng từ tỉnh đến cơ sở để đủ sức lãnh đạo phong trào.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 19 đồng chí, đồng chí Trương Chí Cương (Trương Kiểm, Tư Thuận) được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) được bầu làm Phó Bí thư. Đại hội có ý nghĩa trọng đại đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới về phương thức hoạt động: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nổi dậy giành chính quyền làm chủ của quần chúng.
Sau Đại hội, trên địa bàn toàn tỉnh đã dấy lên nhiều hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đánh dấu bước phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 15. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía ở huyện Phước Sơn ngày 13-3-1960.
Cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía đã chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 15. Cuộc khởi nghĩa gây tiếng vang lớn trong nhân dân, củng cố lòng tin vào đường lối của Đảng và động viên tinh thần tiến công địch của cán bộ, nhân dân trong Đảng bộ.
Rồi những chiến thắng Gợp (huyện Đông Giang) ngày 15-10-1960, GaLâu, A Tép (Tây Giang) vào trung tuần tháng 10-1960, giải phóng Tứ Mỹ, Kỳ Sanh (8-1962), giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) tháng 9-1962… từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
(Còn nữa)
LÊ NĂNG ĐÔNG