.
Chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong, xin ăn biến tướng

Đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý

.

Ngày 23-1, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng chủ trì cuộc họp với Sở VH-TT&DL, Sở Công thương và UBND các quận, huyện về việc phối hợp tập trung ngăn chặn triệt để hành vi bán hàng rong, lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng nhằm thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Hai đối tượng bán hàng rong bằng loa, trong đó, đối tượng nữ (đội mũ) giả mù lòa. (ảnh chụp tại đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu)
Hai đối tượng bán hàng rong bằng loa, trong đó, đối tượng nữ (đội mũ) giả mù lòa. (ảnh chụp tại đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu)

Kế hoạch đặt ra, sẽ có 9 đợt cao điểm đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm.

Sẽ đối thoại trực tiếp với đối tượng

Quyết định 02/2015/QĐ-BND ngày 16-1-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định về việc đưa người lang thang xin ăn vào cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn chỉ rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên liên quan gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Công an thành phố, UBND các quận, huyện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận định: “Nếu trước đây các bên cứ nói lúng túng thực hiện vì chưa có công văn hướng dẫn thì với quyết định này, các cơ quan chức năng cứ thế triển khai”.

Trong đó, vấn đề xử lý đối tượng chăn dắt trẻ em, mang theo trẻ em, người khuyết tật sẽ bị xử lý quyết liệt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, xử lý dứt điểm đối tượng xin ăn biến tướng đặc biệt được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, mỗi khi có tàu biển với số lượng lớn từ 1.000-1.200 khách cập cảng Đà Nẵng, Sở đều có văn bản gửi tới các quận, huyện yêu cầu tăng cường lực lượng an ninh. Tuy nhiên, Sở không thể nắm hết lịch trình của tất cả khách, nhất là với khách du lịch tự do. Vì vậy, trong thời gian đến, Sở VH-TT&DL sẽ làm việc với các đơn vị lữ hành để cắm chốt tại những điểm du lịch trọng yếu, kêu gọi sự hỗ trợ của công an địa phương, đồng thời ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch.

Đại diện Sở Công thương cho rằng, tại các chợ do sở quản lý (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đầu mối, chợ Đống Đa) có hệ thống loa phát thanh nên công tác tuyên truyền dễ dàng thực hiện. Với những chợ tự phát, chợ nhỏ lẻ trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH nên làm việc cụ thể với các địa phương để có phương án tuyên truyền hiệu quả.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng nêu quan điểm: “Nếu chỉ lâu lâu nhắc vài câu trên loa thì chưa hiệu quả mà Ban quản lý chợ phải vào cuộc, có là dẹp ngay. Vừa rồi, tại chợ Cồn, tôi theo dõi một đối tượng lang thang xin ăn đến 10 ngày mà vẫn thấy họ cứ ngang nhiên đi lại trong chợ. Tôi phải gọi điện cho anh em vào cuộc”.

Bà Hưng cũng đề nghị các địa phương nên tổ chức đối thoại trực tiếp với các đối tượng bán hàng rong, lang thang xin ăn để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của họ và có hướng hỗ trợ như vay vốn, giới thiệu việc làm để tạo điều kiện tối đa cho đối tượng chuyển đổi ngành nghề.  

Thống nhất cách làm

Hiện nay, các biển cấm buôn bán hàng rong được nhiều nhà hàng, quán ăn đặt tại cơ sở kinh doanh, tuy nhiên không có sự thống nhất hình thức cũng như nội dung, đặt biển cấm nhưng không cấm. Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất xây dựng chung một biển cấm cho toàn thành phố. Ngoài số điện thoại đường dây nóng của Sở LĐ-TB&XH thành phố là 0511.3550550, còn có số điện thoại của lực lượng công an địa phương.

Trong đợt ra quân lúc 16 giờ ngày 30-1, đội kiểm tra liên ngành các quận, huyện sẽ đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết, phát biển cấm, đồng thời dán ngay tại chỗ ở những nơi dễ nhìn thấy nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho cơ sở. Ngoài ra, với những đối tượng được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, thay vì “khoán” cho Sở LĐ-TB&XH như trước, lực lượng công an nên vào cuộc tìm thân nhân của đối tượng để đưa họ trở về với gia đình.

Theo kế hoạch, trong thời gian đến sẽ có 9 đợt cao điểm đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt tập trung vào các đợt lễ hội. Định kỳ hằng tháng các xã, phường tổ chức tự đánh giá xếp loại trên lĩnh vực xử lý người lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng trên địa bàn (có sẵn biểu mẫu) và gửi về Sở LĐ-TB&XH trước ngày 30 để tổng hợp báo cáo với lãnh đạo thành phố.

Mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, nhưng Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thừa nhận: “Một cơ quan không thể làm xuể được mà toàn xã hội phải cùng vào cuộc. Đà Nẵng đã có truyền thống trong việc phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng để giải quyết một vấn đề, nên mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt trong lĩnh vực này”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.