.

Cho phép khai thác vàng tại Khe Đương: Lợi bất cập hại

.

Sau khi ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Khe Đương đối với Công ty TNHH MTV Trường Sơn (Công ty Trường Sơn), tháng 5-2014, UBND thành phố đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng (Công ty Bông Sen Vàng), được lập thủ tục thăm dò, khai thác vàng tại Khe Đương.

Rừng gần khu vực khai thác vàng bị tàn phá.
Rừng gần khu vực khai thác vàng bị tàn phá.

DN này tiến hành khảo sát thăm dò và đang lập thủ tục trình UBND thành phố cấp giấy phép. Không ít người cho rằng cho phép DN khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh, lợi bất cập hại; không chỉ ở Khe Đương mà tài nguyên vàng, lâm sản ở khu vực lân cận cũng sẽ bị tàn phá.

Bài học đắt giá

Sau khi được UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ngày 21-3-2008, Công ty Trường Sơn đã biến nhiều héc-ta rừng nguyên sinh, khu vực mật độ cây gỗ dày đặc để xây dựng cơ ngơi nhà cửa, kho tàng, khu vực chế biến vàng và bãi thải... Tiếp theo đó, DN này huy động hàng trăm nhân lực cùng nhiều máy móc, trang thiết bị, tiến hành khai thác vàng rầm rộ trên khu vực được giao.

6 năm khai thác tại mỏ vàng lớn nhất ở Đà Nẵng, không ai biết chính xác Công ty Trường Sơn thu được bao nhiêu kilogram vàng thành phẩm, bởi cơ quan chức năng không thể quản lý nổi số vàng khai thác được. Chỉ có điều ai cũng nhận thấy, đó là môi trường sinh thái rừng và tài nguyên lâm sản bị tàn phá hết sức nghiêm trọng.

Bất cứ người nào đến Khe Đương đều nhận thấy có 3 cái mất rất lớn từ hoạt động khai thác vàng. Một là, tài nguyên khoáng sản quý (vàng) bị rút ruột không thể quản lý nổi. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản UBND thành phố Đà Nẵng cấp cho DN này, qua thăm dò khảo sát, chỉ riêng khu vực 22ha, đã có trữ lượng 306kg vàng thành phẩm, công suất khai thác 60kg vàng/năm. Khai thác 6 năm, chắc chắn Công ty Trường Sơn thu được lượng vàng không nhỏ.

Đủ cơ sở để khẳng định điều này, bởi khi giấy phép hết hạn, Công ty Trường Sơn tiếp tục xin thành phố gia hạn để khai thác tiếp. Nếu bị thua lỗ có lẽ họ đã bỏ cuộc khi giấy phép chưa hết hạn. Chỉ tiếc rằng, lượng vàng khai thác ra không thể quản lý nổi, để rồi, DN này liên tục kêu thua lỗ và thành phố không hưởng được tỷ lệ phần trăm ăn chia theo thỏa thuận ban đầu.

Cái mất thứ hai nghiêm trọng hơn, đó là tài nguyên lâm sản trên khu vực rộng lớn bị tàn phá hết sức nặng nề. Rừng nguyên sinh khu vực Khe Đương, mật độ cây rừng dày đặc, thế mà nhiều héc-ta bị tàn phá sạch để lấy chỗ xây dựng cơ ngơi của DN. Nhìn các khu rừng sát đó, gỗ to mật độ dày đặc, nhiều người ước tính số gỗ tại khu vực Công ty Trường Sơn xây dựng nhà cửa, kho tàng, bãi thải... là không nhỏ.  Sát khu vực khai thác vàng, rừng cũng bị tàn phá không thương tiếc. Lội vào khu vực này rất dễ bắt gặp những cây cỡ 2-3 người ôm không xuể trơ gốc.

Hai bên đường từ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang vào đến Khe Đương vốn là rừng già, giàu tài nguyên lâm sản. Sau 6 năm cho phép DN khai thác vàng tại Khe Đương, khu vực này đã vắng bóng những cây gỗ lớn. Ông Phạm Tấn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, bức xúc trước cảnh rừng bị tàn phá: Tôi biết rất rõ, trước đây rừng hai bên đường vào Khe Đương rất nhiều cây gỗ to, thế mà nay chỉ còn những cây cỡ cột nhà. Đường ô-tô mở vào giữa rừng nguyên sinh là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Cái mất thứ ba là môi trường sinh thái rừng bị tàn phá hết sức nặng nề. Nay đến Khe Đương, dễ bắt gặp cảnh tượng đất đá nham nhở khắp nơi, nhiều héc-ta khu vực khai thác vàng không còn bóng cây. Một số con suối gần đó bị bồi lấp. Đó là chưa nói nhiều sông suối trên địa bàn bị đầu độc bởi hóa chất cyanure dùng đãi vàng.  

Trong khi đó, cái được duy nhất sau 6 năm cho Công ty Trường Sơn khai thác vàng tại Khe Đương là ngân sách thành phố tăng thêm được hơn nửa tỷ đồng, do DN này nộp các loại phí và thuế. Cụ thể, năm 2012 nộp 292.066.372 đồng, năm 2013 nộp 255.112.302 đồng (số liệu từ Cục Thuế Đà Nẵng).  

Lợi bất cập hại

Khi biết thành phố cho phép Công ty Bông Sen Vàng tiếp tục khảo sát, thăm dò và tiến tới khai thác vàng tại Khe Đương, nhiều người cho rằng, cho phép DN khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh, lợi bất cập hại, mất nhiều hơn được.

Gắn bó với rừng lâu năm, ông Phạm Trí, Trưởng trạm Kiểm lâm Hòa Bắc khá bức xúc khi rừng khu vực Khe Đương bị tàn phá. Ông cho rằng, cho DN tiếp tục khai thác vàng tại đó, đường ô-tô từ Giàn Bí vào Khe Đương thông suốt, lâm tặc và không loại trừ cả lực lượng khai thác vàng sẽ gia tăng phá rừng theo kiểu “mượn gió bẻ măng”.

Ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cũng có cách nhìn tương tự. Ông Như cho rằng, đáng lẽ sau khi Công ty Trường Sơn rút đi, cơ quan chức năng phải điều tra, khảo sát tại thực địa, rút ra bài học và có giải pháp bảo vệ rừng tốt hơn. Thực ra, sau 6 năm cho DN khai thác vàng tại Khe Đương đủ cơ sở khẳng định, hoạt động này mất nhiều hơn được. Nay cho DN khác vào nơi giàu gỗ quý, chắc chắn rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá.

Còn Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Tăng Phúc lo ngại: Không chỉ rừng bị tàn phá mà hậu quả từ đãi vàng đối với nguồn nước sẽ vô cùng nghiêm trọng. Khai thác rầm rộ, tất phải sử dụng lượng lớn cyanure để đãi vàng và như vậy loại hóa chất độc hại này sẽ đầu độc các sông suối. Tương lai không xa, Nhà máy nước Hòa Liên xây dựng, nước thô lấy từ sông Cu Đê. Cho phép DN khai thác vàng ở Khe Đương, người dân ở Đà Nẵng sẽ phải sử dụng nước có chứa cyanure?

Giải pháp tốt nhất để quản lý tài nguyên khoáng sản, lâm sản ở khu vực Khe Đương là không cho bất cứ DN nào khai thác vàng tại khu vực này; cắt đứt hoàn toàn đường ô-tô đang thông thương từ thôn Giàn Bí vào Khe Đương; thường xuyên duy trì tại khu vực này tổ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát vừa bảo vệ rừng vừa ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép.

Khai thác vàng tại Khe Đương là vấn đề quan trọng, cần có ý kiến phản biện của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, vấn đề quan trọng này cần có sự bàn bạc thảo luận và quyết định của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.
.