.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Liên hoan "2 trong 1"

.

Ngày 16-1 vừa qua, ô-tô cùng xe máy các loại bỗng dưng kéo nhau về thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), đi lên xuống mấy vòng trên con đường bê-tông mới cứng nối từ ngã ba Hương Lam lên tới thôn Phước Sơn. Dân hỏi, trưởng thôn Phạm Thế Quý cười thật tươi: Họ về nghiệm thu đường đó mà.

Gần 20 năm trước, con đường từ Hương Lam qua thôn 5 lên thôn Phước Sơn dài 2,6km được làm theo hình thức thâm nhập nhựa rộng chỉ 3m, đến năm 2014 đã xuống cấp trầm trọng, thấp trũng, tới mùa mưa là nhiều đoạn phải xắn quần mà lội. Ông Quý kể, dân cực khổ vì đường sá quá lâu rồi nên khi nghe thành phố và huyện Hòa Vang có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường liên thôn qua làng mình là bà con nằm dọc theo tuyến đường này mừng muốn… hết lớn.

Nghe tin cán bộ quân dân chính thôn tổ chức họp các hộ dân có nhà hai bên đường sắp mở rộng, bà con có mặt không thiếu một người. Trăm người như một, ai cũng đồng tình, sẵn sàng tháo dỡ, dời lui tường rào, cổng ngõ để nhường đất cho công trình. Người hiến đất nhiều nhất là hộ ông Phạm Mẹo, đoạn đường đi qua vườn nhà ông dài 65m, ông cho dời hàng rào vô 2m.

Một số hộ bên đường trồng cây sao đen lấy gỗ. Gỗ sao đen màu vàng nhạt ngã xám, là loại gỗ quý, không mối mọt thường dùng để đóng tàu, thuyền, phà qua sông. Vì lợi ích cộng đồng trong đó có mình, bà con sẵn sàng đốn hạ. Ông Trần Hữu Nguyện, thương binh loại 1, tự nguyện đốn 10 cây sao đen 7 năm tuổi trong vườn nhà mình.

Ông Ngô Thời, cán bộ hưu trí, “hy sinh” 8 cây sao đen 12 năm tuổi. Hôm họp dân có Bí thư xã Hòa Khương về dự, ông Thời phát biểu cảm ơn Nhà nước rồi dứt khoát từ chối nhận 600.000 đồng tiền Nhà nước hỗ trợ vật kiến trúc và công đốn cây trong vườn nhà mình, cho góp vào quỹ chung để lo việc làm đường được tốt đẹp.

Khi Công ty TNHH Xây dựng Hòa Vang đổ quân triển khai thi công đường, làng trên xóm dưới ai cũng hởi lòng hởi dạ, xem đó như một “cuộc cách mạng” về giao thông nông thôn ở làng quê mình. Trước đó, tổ giám sát cộng đồng được thành lập, do cán bộ Thanh tra Nhà nước cấp xã làm tổ trưởng, trưởng ban Thanh tra nhân dân và trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hương Lam và thôn 5 làm thành viên.

Tuyến đường dài 2,6km này được thi công thành 3 chặng. Chặng thứ nhất từ ngã ba Hương Lam chạy lên dài 400m, nằm trong khu dân cư nên mở rộng đến 7,5m. Hai chặng còn lại rộng 5,5m và 3,5m. Cả tuyến đường có thêm 2 con mương dân sinh và một cống tưới tiêu được xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép. Cống này dẫn ra đồng, xe tải nhỏ có thể theo đó ra chở lúa mỗi khi thu hoạch, rất tiện lợi.

Hôm thứ sáu vừa rồi con đường mới được nghiệm thu, ngoài cán bộ huyện, xã, còn có đại diện đơn vị thi công, Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng - đơn vị có 2 kênh mương thủy lợi đưa nước từ hồ Đồng Nghệ xuống dọc theo hai bên tuyến đường mới. Và tất nhiên, không thể thiếu hai trưởng thôn Hương Lam và thôn 5, những người động viên, sâu sát với bà con hai thôn và với cả công nhân làm đường để công trình được thi công đúng tiến độ.

Tuyến đường có tổng mức kinh phí hơn 14 tỷ đồng này là một quà tặng dân sinh rất ý nghĩa mà thành phố dành cho người dân hai bên đường. Thôn 5 có một phân hiệu của Trường tiểu học Hòa Khương 1, nhưng chỉ dạy đến lớp 4. Lên lớp 5, học sinh ở Phước Sơn và thôn 5 phải xuống học trường chính dưới ngã ba Hương Lam. Giờ thì phụ huynh không phải lo quãng đường xa trên dưới 2km một thời lụt lội, bụi bặm.

Niềm vui nối niềm vui, trước đó, nhân đón năm mới 2015, bà con tổ 2 và tổ 3 thôn Hương Lam ở dọc theo hai bên đoạn đường rộng 7,5m đã tổ chức bữa liên hoan “2 trong 1”: Ăn Tết Tây và “khánh thành” con đường mới.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.