“Biển báo” là chủ đề của 16 tác phẩm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng vừa mở cửa đón công chúng đến thưởng ngoạn tại Bảo tàng Mỹ thuật vào những ngày cuối cùng của năm 2014.
Đây được xem như một màn kết thật ý nghĩa, đồng thời cũng phản ánh khá sinh động một năm được xem là “lột xác” hoàn toàn từ công tác chỉ đạo đến tuyên truyền trên địa bàn thành phố về lĩnh vực TTATGT. Hiệu quả rõ nét là tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố giảm sâu cả 3 tiêu chí và lần đầu tiên, thành phố giảm số người chết vì TNGT xuống dưới con số 100.
Trong năm 2014, Thanh tra Giao thông vận tải đã xử phạt 3.282 ô-tô chở quá tải với số tiền 4,2 tỷ đồng. |
Nóng từ chỉ đạo
Đây là năm đầu tiên, cứ mỗi quý, đích thân Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì cuộc họp giao ban với sự hiện diện đầy đủ các cơ quan, ban, ngành và các địa phương tham gia công tác bảo đảm TTATGT.
Không có những bản báo cáo dài dòng kể công, không có những phát biểu chung chung, mà ngay từ đầu cuộc họp giao ban đã nóng lên khi Bí thư Thành ủy truy những vấn đề rất cụ thể. Điển hình như chuyện những chuyến xe xuất bến vào sáng sớm thì cứ ra đường là “bò” chứ không chạy, đích thân Bí thư Thành ủy Trần Thọ đi kiểm tra và điện thoại cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu xử lý.
Tưởng một lần là xong, không ngờ liên tiếp 3 buổi sáng như vậy, Giám đốc Sở GTVT đều nhận điện thoại từ Bí thư Thành ủy; cuối cùng người đứng đầu ngành giao thông đã có mặt từ sáng sớm để xử lý, kết quả là các lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ ngay từ sáng sớm để xử lý, chứ không còn cảnh đi theo giờ… hành chính.
Hoặc như chuyện nhỏ là có người bán chó con trên đường Lê Duẩn, đoạn trước cổng Đại học Đà Nẵng đã tạo nên tình trạng “thắt cổ chai” tại đây. Sau khi báo chí lên tiếng, người bán chó này đã chuyển đi nơi khác.
Thế nhưng, khi Bí thư Thành ủy Trần Thọ hỏi “chuyển đi đâu” thì không ai biết. Đến lúc này, Bí thư Thành ủy mới chỉ hộ “thời gian đầu chuyển lên bán ở cầu Sông Hàn, còn bây giờ thì chuyển lên khu vực trước cổng Công viên 29-3”. Ngay trong giờ giải lao cuộc họp, đại diện các địa phương đều cho biết là “toát mồ hôi hột” vì đồng chí Bí thư nắm sát quá.
Chính sự sâu sát của người lãnh đạo cao nhất thành phố mà trong 2 cuộc họp giao ban tiếp theo mọi việc đã chuyển biến rất rõ nét. Lãnh đạo các điạ phương, ngành chức năng đều đã nắm rất rõ tình hình ở địa phương mình để báo cáo và đề xuất hướng giải quyết cụ thể.
Các địa phương, ban, ngành vào cuộc
Kết quả rõ ràng và cụ thể là, sau những cuộc họp giao ban, các địa phương, các ngành đều đã có sự “lột xác” hoàn toàn từ khâu chỉ đạo nên nắm bắt tình hình để triển khai thực hiện. Quận Hải Châu là điểm sáng năm nay với việc mạnh dạn “sắp xếp” lại phố phường cho gọn gàng, văn minh. Các tuyến phố chính được kẻ vạch để phân định ranh giới cho người dân kinh doanh, phần dành cho người đi bộ. Đây là điều không mới, nhưng cái mới là đã có đội ngũ quy tắc đô thị trụ bám suốt cả ngày ở từng đoạn đường để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.
Cũng ở quận Hải Châu, lần đầu tiên bài toán xử lý ô-tô đậu đỗ tràn làn được đưa ra lời giải khá căn bản, đó là sử dụng camera ghi hình để phạt nguội. Phố chuyên doanh, phố điểm tâm đi vào hoạt động, hy vọng khu vực trung tâm thành phố sẽ trật tự, văn minh hơn và hơn hết là hạn chế được ùn tắc, TNGT ở khu vực trung tâm thành phố.
Ở các quận: Liên Chiểu, Sơn Trà, trong năm 2014 đã có sáng kiến đặt loa phát thanh ngay tại các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông để tuyên truyền đến tất cả mọi người, nhất là số lao động, công nhân, học sinh đến từ các địa phương khác. Hoặc đơn giản là việc viết giấy cam kết không vi phạm, quận không đi theo lối mòn phát nội dung in sẵn cho dân mà đã tổ chức họp tuyên truyền, sau đó đọc cho từng người chép để… nhớ.
Đoàn Thanh niên thành phố với việc tuyên truyền thông qua hình thức tổ chức các phiên tòa giả định về TNGT, an ninh trật tự… đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều đoàn viên, thanh niên, sau khi dự phiên tòa này đều cho biết là “giật mình”, bởi nhiều tình huống hằng ngày vẫn vi phạm, nhưng chỉ có may mắn nên không có tai nạn xảy ra.
Đến việc người dân tham gia giữ TTATGT
Công trình nút giao thông ngã ba Huế khởi công cũng là lúc tuyến đường chính qua đây phải ngừng lưu thông, ngay lập tức một lượng lớn các phương tiện tỏa về các nhánh đường nhỏ gần khu vực này. Sau một thời gian ngắn phát hiện người đi đường bị rối với các con đường nhỏ này, nhiều người dân đã tự động viết bản hướng dẫn cho người đi đường. Trong khi đó, dọc theo tuyến đường gom song song với tuyến đường sắt gần khu vực công trình nút giao thông ngã ba Huế, thời gian qua, vào các giờ cao điểm người dân tự động phân công ra hướng dẫn người đi đường đi vào các con hẻm khác nhau để tránh ùn tắc.
Cũng trong năm qua, nhiều lần lực lượng chức năng đã nhận được rất nhiều điện thoại của người dân báo về thời gian, địa điểm các “xe dù” đón khách, xe chở quá tải tìm cách vượt trạm. Nhờ vậy, các lực lượng chức năng đã có mặt đúng lúc để xử lý các trường hợp vi phạm rất hiệu quả. Điển hình như nhờ nguồn mật báo từ người dân, cơ quan chức năng đã xử lý kiên quyết các nhà “xe dù” ĐN, XT, CV…; kết quả là hiện nay các nhà xe này không còn lập “bến cóc” để đón khách mà đã đăng ký hoạt động theo tuyến cố định.
Có rất nhiều cái mới lần đầu tiên được triển khai áp dụng như thế. Nhờ xuất phát từ thực tế nên tất cả đều đạt kết quả tốt, góp phần đáng kể vào việc bảo đảm TTATGT thành phố trong thời gian qua. Hy vọng, trong năm mới 2015 này, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả trên, cũng như tìm tòi thêm những mô hình mới phù hợp với thực tiễn để TTATGT trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định và lâu dài.
Trong năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 174 vụ TNGT làm chết 98 người, bị thương 154 người, so với năm 2013 giảm 57 vụ, giảm 26 người chết và giảm 43 người bị thương. Trong số này, đường bộ xảy ra 168 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 152 người ; đường sắt xảy ra 6 vụ, làm chết 7 người, bị thương 2 người; đường thủy không xảy ra vụ TNGT nào. |
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN