Trong khi mọi nhà đều đang khẩn trương sơn sửa, bày trí, mua sắm, sửa soạn đón Tết thì nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa 3 dự án tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc, Khu dân cư (KDC) số 2 và KDC số 7 - Trung tâm Đô thị mới Tây Bắc phải tháo dỡ, đập phá căn nhà của mình, di dời đến nhà thuê hoặc nhà người thân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình trọng điểm.
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, đại diện Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) của 3 dự án nói trên về công tác giải tỏa, di dời dân trước Tết.
Cán bộ lãnh đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng tích cực tiếp dân và giải thích, xử lý các vướng mắc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* 3 dự án nói trên có đến 640 hồ sơ giải tỏa và thêm 40 hồ sơ ở đoạn cuối đường Tô Hiệu cũng giải tỏa trong đợt này nhưng được thực hiện trong thời gian ngắn và nhiều hồ sơ phải bàn giao mặt bằng trước Tết. Hội đồng GPMB đã và đang làm gì để người dân đồng thuận giải tỏa, di dời ?
- Việc có gần 700 hồ sơ giải tỏa với yêu cầu là phải hoàn thành giải tỏa vào ngày 29-3-2015, trong đó có nhiều hồ sơ ở Dự án Tuyến đường Trục 1 – Tây Bắc phải bàn giao mặt bằng trước Tết Nguyên đán để phục vụ thi công công trình quả thực là áp lực lớn.
Thú thực là từ tháng 11-2014 đến nay, chúng tôi phải làm việc cả ngày, cày suốt buổi tối với rất nhiều cuộc họp, buổi kiểm tra thực tế. Với phương châm: “Giải tỏa tâm lý, thông tư tưởng trước rồi mới giải tỏa nhà cửa”, chúng tôi đã dành nhiều thời gian gặp gỡ dân tại hiện trường cũng như mời dân lên họp để lắng nghe, giải quyết các vướng mắc và vận động các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng.
Nhờ thế, dù còn nhiều hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng nhưng người dân cũng đã thông rồi, chờ nhận tiền đền bù và giải quyết xong các vướng mắc còn lại là người dân tháo dỡ nhà cửa, di dời.
Bên cạnh đó, chủ trương thưởng tiến độ 20 triệu đồng/hồ sơ của lãnh đạo thành phố đối với các hồ sơ bàn giao mặt bằng trước ngày 31-1-2015 thực sự tạo cú hích lớn, người dân rất phấn khởi và cũng mong muốn bàn giao mặt bằng sớm để nhận thưởng tiến độ và thụ hưởng các chính sách khác.
* Tuy nhiên, tại buổi đối thoại vào tối 9-1, vẫn còn nhiều người dân phản ánh đơn giá đền bù về đất quá rẻ, đơn giá đất tái định cư thì quá cao. Đặc biệt, nhiều hộ làm nhà trên đất không phải là đất ở thì được bố trí tái định cư diện hộ phụ với đơn giá đất cao gấp 2,5 lần diện hộ chính. Ông có thể giải thích cho người dân dễ hiểu ?
- Luật Đất đai quy định: Khi bồi thường hoặc hỗ trợ đất ở, được bố trí đất tái định cư diện hộ chính. Tiêu chuẩn được bồi thường, hỗ trợ đất ở là có giấy tờ chứng minh đất ở hoặc loại đất được sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004, đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.
Đặc thù đối với KDC số 2 và KDC số 7 là có rất nhiều hộ nghèo, hộ công nhân, hộ ngoài tỉnh, hộ giải tỏa từ các nơi về mua đất nông nghiệp, đất giấy tờ “2 lá”, “3 lá” với số tiền ít để xây dựng nhà cấp bốn. Lẽ ra phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở thì mới được bố trí tái định cư diện hộ chính, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.
Theo quy định, đối với các loại đất không phải đất ở thì về nguyên tắc là không được bồi thường, hỗ trợ đất ở và không bố trí tái định cư. Đa phần bà con ở đây đều không được bồi thường về đất ở, chỉ bồi thường và hỗ trợ theo đúng đơn giá loại đất nông nghiệp do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Còn nhà cửa, vật kiến trúc trên đất đó, về nguyên tắc cũng không bồi thường.
Theo luật định, chỉ hỗ trợ tối đa 50% giá trị nhà cửa, vật kiến trúc, nhưng thành phố đã đồng ý hỗ trợ đến 80% giá trị tài sản gắn liền trên đất. Để an dân, thành phố cũng đồng ý cho xem xét bố trí đất tái định cư, nhưng chỉ với các hộ thực sự ở trên mảnh đất đó, không có nơi ở nào khác và có hộ khẩu hoặc xác nhận cư trú thực tế trước ngày Luật Cư trú có hiệu lực. Những hộ này được bố trí căn hộ chung cư hoặc đất tái định cư diện hộ phụ với đơn giá cao gấp 2,5 lần diện hộ chính.
Việc thực hiện đền bù, bố trí tái định cư và đơn giá đền bù thiệt hại, giá đất tái định cư thực hiện theo quy định được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 41/2013/QĐ-UBND về giá các loại đất trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã ban hành các phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cụ thể từng dự án. Hội đồng GPMB sẽ photocopy, đưa về tổ dân phố hoặc niêm yết công khai tại các khu vực dân cư các loại văn bản liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, bố trí đất tái định cư và đơn giá đất để người dân biết, hiểu thêm.
* Nhiều hộ thắc mắc nhà cửa và đất của họ đã được kiểm định từ nhiều năm trước, nay được tính giá trị đền bù ra sao, nhất là những hộ đã đập phá, tháo dỡ một số tiểu tiết, hạng mục và có nhà đã bị sập do các trận bão?
- Những trường hợp trước đây đã được đơn vị khác thực hiện kiểm định đều đã chuyển giao hồ sơ sang để tiến hành lập hồ sơ mới. Theo đó, khối lượng kiểm định trước đây đều được kiểm tra lại, bổ sung những điểm mới nếu có phát sinh làm cơ sở thực hiện tính giá trị đền bù thiệt hại.
Những trường hợp có hiện trạng khác, bị mất đi so với trước đây thì làm lại hồ sơ mới, đối chiếu với hồ sơ cũ và bù đắp khoản chênh lệch đó bằng cách hỗ trợ cho bằng giá trị trước đây. Đối với nhà bị sập do bão, thực sự cũng khó đo được khối lượng xây dựng.
Chỉ xem xét hỗ trợ nhà sập được xây dựng trên đất ở, khi kiểm định, hiện trạng ra sao ghi nhận đầy đủ, đối chiếu với danh sách nhà sập mà UBND phường đã lập trước đây và đề xuất thành phố xem xét hỗ trợ giá trị nhà cấp bốn, ô-tơ cao 3m... như các dự án khác.
* Thưa ông, đối với các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng trước Tết, UBND quận Liên Chiểu có chính sách hay hỗ trợ gì thêm để bà con vui đón Tết Nguyên đán ?
- Gần Tết, chũng tôi sẽ rà soát những hộ giải tỏa nào có hoàn cảnh khó khăn thì trợ cấp, đề xuất hỗ trợ thêm. Đối với những hộ không tìm được nhà để thuê hay tiền thuê nhà quá đắt và cũng không có nơi ở nhờ để đón Tết, chờ nhận đất tái định cư thì chúng tôi sẽ đề xuất thành phố bố trí khu đất để họ dựng nhà, mái che ở tạm hoặc đề xuất thêm tiền cho họ tìm thuê nhà ở cho bảo đảm sức khỏe và điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
* Thời gian giải tỏa là gấp rút và cũng cận Tết, Hội đồng GPMB có những giải pháp gì để giải tỏa đạt tiến độ đề ra ?
- Đối với công trình Tuyến đường Trục 1 – Tây Bắc, chúng tôi được thành phố đồng ý cho lập hồ sơ đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư cho từng hộ thay vì có nhiều hộ cùng nằm trong một hồ sơ như trước đây, nên tiến độ được đẩy nhanh.
Hơn nữa, chúng tôi cũng đã và đang vận động từng hộ tách riêng để bàn giao mặt bằng sớm, nếu chưa cần thiết thì chỉ để lại 1 hộ chính để gia đình sum họp đón Tết với cam kết bàn giao mặt bằng ngay sau Tết.
Chúng tôi cố gắng phấn đấu đến hết ngày 31-1-2015 - thời hạn cuối thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng với số tiền 20 triệu đồng/hồ sơ theo chủ trương của lãnh đạo thành phố - sẽ có từ 80-90% hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình Tuyến đường Trục 1 – Tây Bắc và hoàn thành giải tỏa vào ngày 29-3-2015.
Do các hộ giải tỏa nằm trong diện được bố trí đất tái định cư của cả 3 dự án đều được bố trí tại KDC số 2 và KDC số 7 – Trung tâm Đô thị mới Tây Bắc nên chúng tôi nỗ lực phấn đấu đến ngày 29-3-2015, cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 2 dự án KDC số 2 và KDC số 7 để các đơn vị tập trung thi công, cố gắng đến ngày 30-6-2015, có đất tái định cư bố trí cho dân xây dựng nhà ở.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
HOÀNG HIỆP thực hiện