Chính trị - Xã hội
Phát huy chất xám cán bộ, tạo đột phá mới
“Với nhiều chính sách được triển khai sớm, sáng tạo so với các địa phương khác, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng tạo nên nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa các nước, có phong cách làm việc hiện đại. Đội ngũ này đã và đang đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Đó là đánh giá của Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng (ảnh) trong cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng.
Với chính sách trọng dụng nhân tài, Đà Nẵng thu hút thành công những bác sĩ giỏi. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) can thiệp mạch cho bệnh nhân nhi mắc bệnh tim bẩm sinh. |
* Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác chăm lo đội ngũ cán bộ của thành phố trong thời gian qua?
- Nhiệm kỳ 2010-2015, thành phố triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng vào tạo sự đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Cụ thể là thực hiện có hiệu quả Đề án 89; chủ trương của Trung ương về thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp ở những nơi có điều kiện; chủ trương tăng thêm chức danh phó bí thư quận ủy và đảng ủy phường, xã ở một số địa phương để luân chuyển, đào tạo cán bộ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên được chú trọng. Thành ủy tiếp tục triển khai đồng bộ các đề án tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Giai đoạn 2008-2013, mỗi năm có từ 3.500 đến 4.500 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (riêng về bồi dưỡng lý luận chính trị, hằng năm cử hơn 400 lượt cán bộ); ban hành nhiều chính sách hợp lý, thỏa đáng đối với cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và cán bộ diện thu hút.
Công tác cán bộ của Đảng bộ thành phố tiếp tục được quan tâm với nhiều cách làm mới, có tính đột phá như thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Từ 2010 đến 2014 đã tổ chức thi tuyển cho 99 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi Thành ủy viên giới thiệu 2 cán bộ trẻ để lựa chọn quy hoạch cán bộ dự nguồn các chức danh cấp thành phố, đến nay đã giới thiệu được 68 cán bộ.
Có 4 cán bộ dưới 40 tuổi được bố trí vào các vị trí chủ chốt cấp thành phố và quận, huyện. Trong đó 1 đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, 2 đồng chí Bí thư Quận ủy, 1 đồng chí Bí thư Thành Đoàn. Thực hiện tốt quy định bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác quy hoạch cán bộ các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu kế thừa và phát triển.
Theo tôi, công tác cán bộ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự thành công chung của công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố. Trước mắt là bảo đảm thực hiện tốt công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
* Bước đột phá để đạt nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay khởi đầu từ năm 1998, khi thành phố triển khai thực hiện các đề án, chính sách về đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ. Ông có thể chia sẻ những kết quả cụ thể trong công tác này?
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX xác định, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) là một trong 5 hướng đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm giúp công tác này đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt.
Thành phố thể chế hóa Kế hoạch “Tuyển chọn và đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao năm 2012” nhằm tạo nguồn nhân lực lâu dài cho ngành y tế thành phố; đồng thời đẩy mạnh thu hút cán bộ. Đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đạt những kết quả khả quan.
Tính đến 12-2014, đã có 618 lượt học viên được cử đi học theo Đề án 922 (bậc đại học: 513, bậc sau đại học: 105) với tổng kinh phí gần 557 tỷ đồng. Sau khi về nhận công tác, nhiều người đã thích ứng ngay với công việc, trưởng thành nhanh. Đây là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thành phố trong tình hình mới.
Từ năm 2009, thành phố còn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước do Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp thực hiện (Đề án 165). Đã có 31 lượt cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học (7 tiến sĩ, 24 thạc sĩ), 33 cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài theo chương trình này.
Sau 15 năm thực hiện, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.043 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy loại khá, giỏi trở lên. Trong đó có 13 tiến sĩ, 224 thạc sĩ và 806 người tốt nghiệp đại học; 45 người tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nước ngoài. Đây là kết quả rất khả quan góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Trong số cán bộ, công chức, viên chức của thành phố tăng thêm trong 15 năm qua, có 16% là đối tượng thuộc diện được thu hút. Cán bộ được thu hút đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Phần lớn trong số này được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành của thành phố, còn lại bố trí cho khối quận, huyện và phường, xã.
* Có thể khẳng định, Đà Nẵng không tiếc tiền để đào tạo, thu hút cán bộ, tuy vậy việc phát huy năng lực, phẩm chất của từng cán bộ rất quan trọng nhằm tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng. Ông cho biết những giải pháp để đội ngũ cán bộ được đào tạo, thu hút để phát huy chất xám đóng góp vào sự phát triển năng động, sáng tạo của Đà Nẵng?
- Tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ xuất thân từ Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cán bộ thu hút là một trong những điểm nhấn trong công tác cán bộ của thành phố.
Từ nguồn cán bộ này, thành phố đã phát huy khá tốt chất xám của từng cán bộ trong phân công nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, từ đó hình thành một lớp cán bộ kế cận có trình độ, năng lực, có khả năng đảm đương dần những trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị của thành phố. Tuy vậy, thành phố sẵn sàng ”chìa tay nhưng dứt khoát cũng chia tay” với những cán bộ không thể hiện hết trình độ năng lực, không đáp ứng yêu cầu công việc do chủ quan.
Để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn năm 2011-2020, thành phố sẽ tập trung một số định hướng lớn như: Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Đề án 2719).
Trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực, thành phố triển khai công tác dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong khu vực công và nhân lực chất lượng cao ở khu vực tư cho từng ngành, đặc biệt là các ngành dịch vụ mũi nhọn và công nghệ cao theo từng giai đoạn. Tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác đào tạo - thu hút nhân lực chất lượng cao như: Tăng số lượng ngành, nghề đào tạo thuộc khối sự nghiệp, giảm khối hành chính. Trong đó, tăng số học viên đào tạo các ngành văn hóa, y tế trong khối sự nghiệp.
Đổi mới cách thức thực hiện nhằm tuyển chọn để đào tạo và thu hút được người vừa có tài, vừa có đức và có tính cam kết cao, bảo đảm có cơ cấu giới phù hợp. Đà Nẵng tiếp tục đào tạo, thu hút nhân lực theo vị trí, chức danh công việc. Thực hiện đồng bộ chính sách “chiêu hiền” với công tác “đãi sĩ” đối với cán bộ, công chức hiện đang công tác.
Thành phố cũng sẽ dành tỷ lệ thích đáng kinh phí để thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng tại chỗ và kể cả ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng tổ chức giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình phát triển của thành phố.
VIỆT DŨNG thực hiện