.

Hướng tới đô thị lớn cửa ngõ Tây Bắc

.

Cách đây hơn 10 năm, Liên Chiểu là vùng ven thành phố với xuất phát điểm còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ lẻ, đời sống người dân khó khăn…

Bây giờ, hình ảnh đô thị Liên Chiểu đã bừng sáng hơn với nhiều chấm phá hiện đại, quy hoạch đô thị được khớp nối với các địa phương khác. Người dân phấn khởi vì đời sống khá hơn trước đây. Chính sự đổi thay đó đã tiếp thêm niềm tin cho Đảng bộ, chính quyền địa phương vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phát triển Liên Chiểu trở thành đô thị lớn phía Tây Bắc Đà Nẵng.

Đô thị Liên Chiểu phát triển với hệ thống giao thông khá đồng bộ.
Đô thị Liên Chiểu phát triển với hệ thống giao thông khá đồng bộ.

Những ngày chuẩn bị bước sang đầu năm mới 2015, cũng là thời khắc Liên Chiểu bước qua năm thứ 10 thực hiện Kết luận 24-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu trong những năm đến” (gọi tắt là KL 24).

Trong niềm vui chung ấy, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ, KL 24 của Thành ủy nêu rõ, đến năm 2010, công nghiệp Liên Chiểu phải chiếm tỷ trọng trên 70%, thương mại - dịch vụ 25%, giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống dưới 4%. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ trọng ngành công nghiệp của Liên Chiểu chiếm 78,17%, dịch vụ 20,59%, nông nghiệp 1,24%.

Đặc biệt, giá trị ngành công nghiệp giai đoạn 2004-2014 của Liên Chiểu ước đạt hơn 15.133 tỷ đồng, tăng bình quân 30,37%/năm. Riêng năm 2014 tăng gấp 14 lần năm 2004. Việc phát triển kinh tế nhanh, giữ nhịp độ ổn định là tiền đề quan trọng để địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nâng cao bền vững đời sống nhân dân. 

Các tiềm năng, thế mạnh ở cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố được quận Liên Chiểu chú trọng khai thác. Hoạt động của các thành phần kinh tế diễn ra sôi động, có bước khởi sắc, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới.

Đến nay, toàn quận có hơn 1.300 doanh nghiệp với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: vật liệu xây dựng, hóa chất, giấy, điện tử, cơ khí, chế biến lâm sản... Thế mạnh của Liên Chiểu là hệ thống chợ, siêu thị được xây mới và nâng cấp khá đồng bộ. Đến nay, toàn quận có 9 chợ, 6 siêu thị và 12 hợp tác xã. Kinh tế hộ gia đình của Liên Chiểu tăng nhanh cả về số lượng và vốn kinh doanh. Địa phương tích cực tập trung khôi phục và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô.

Theo Bí thư Quận ủy Lương Nguyễn Minh Triết, thành tựu rõ nét nhất của Liên Chiểu chính là kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, quy mô đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu tái định cư, các công trình phúc lợi xã hội, giao thông được tiến hành đồng bộ, làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị của quận. Đến nay, Liên Chiểu có 112 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích thu hồi khoảng hơn 5.263ha, hơn 19.000 hộ dân phải di dời, giải tỏa.

Toàn quận có 516 công trình, hạng mục công trình được đầu tư xây dựng, với tổng trị giá 332 tỷ đồng. Nhiều công trình nêu trong KL 24 có ý nghĩa tạo động lực cho sự phát triển của quận đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là hạ tầng đô thị của Liên Chiểu được kết nối đồng bộ theo chuỗi đô thị quận với các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Trong đó, dấu ấn lớn nhất chính là công trình nút giao thông ngã ba Huế hứa hẹn tạo động lực phát triển toàn khu vực. Các lĩnh vực cải cách hành chính, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời.

Từ thành quả đó, để hướng đến hoàn thiện khu đô thị lớn cửa ngõ Tây Bắc thành phố, quận Liên Chiểu tiếp tục cùng với thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án đang triển khai có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của quận, như khu đô thị mới Tây Bắc, nút giao thông ngã ba Huế, Trục 1 Tây Bắc, khu du lịch làng Vân, khu sinh thái Nam Ô, khu du lịch Quan Nam-Thủy Tú, Trung tâm văn hóa thể thao quận. Quận tranh thủ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi dân sinh; chú trọng công tác quản lý trật tự đô thị và chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách...

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.