.

Khai thác đá ảnh hưởng đến khu dân cư

.

Nhiều văn bản chỉ đạo của thành phố về việc dừng hoạt động khai thác đá lân cận khu đô thị Phước Lý, nhưng tình hình khai thác đá vẫn tiếp diễn, tác động đến sinh hoạt của người dân.

Hoạt động khai thác đá ở núi Phước Tường tác động đến khu dân cư, cảnh quan môi trường, gây bức xúc cho người dân và chủ đầu tư dự án phát triển đô thị.
Hoạt động khai thác đá ở núi Phước Tường tác động đến khu dân cư, cảnh quan môi trường, gây bức xúc cho người dân và chủ đầu tư dự án phát triển đô thị.

Ngày 12-1, ông Lê Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung cho biết, công ty vừa gửi công văn đến chính quyền thành phố kiến nghị dừng sản xuất và di dời cơ sở khai thác đá của Công ty TNHH Nho Chiến ở gần Khu đô thị Phước Lý.

Theo ông Hải, Công ty TNHH Nho Chiến vừa khai thác, vừa đặt trạm nghiền đá trong ranh giới dự án Khu đô thị Phước Lý nên ảnh hưởng việc đầu tư dự án, tác động đến đời sống của người dân sinh sống ở khu đô thị. Hiện dự án Khu đô thị Phước Lý đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, thu hút trên 600 hộ dân đến nhận đất ở và đã có 100 hộ dân làm nhà. Và có 200 hộ giải tỏa được bố trí tái định cư.

Tác động của việc khai thác, chế biến đá xây dựng cũng ảnh hưởng đến các dự án ở khu vực như Trường Đại học TDTT, Trung tâm huấn luyện TDTT, Đại học Duy Tân và nhiều dự án khu dân cư.
Với việc hình thành các dự án khu đô thị, khu dân cư mới và các công trình hạ tầng thì việc dừng khai thác đá ở khu vực núi Phước Tường là điều cần thiết. Từ năm 2012 đến nay, chính quyền thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo dừng gia hạn cấp phép khai thác đá.

Theo quy định của Luật Khoáng sản: “Đối với các mỏ khai thác khoáng sản phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất là 500m...”, nhưng 2 mỏ đá của Công ty TNHH Nho Chiến và Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát đều nằm sát Khu đô thị Phước Lý, thậm chí còn lấn chiếm vào diện tích đang xây dựng hạ tầng cơ sở của dự án này.

Việc nổ mìn khai thác đá, sản xuất, chế biến, vận chuyển đá gây mất an toàn khu vực, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây mất cảnh quan núi Phước Tường, môi trường sống của các khu dân cư không thể bảo đảm. Chính vì những nguyên nhân đó, từ cuối năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấm dứt hoạt động khai thác đá tại khu vực Phước Lý. Cụ thể, đối với Công ty TNHH Nho Chiến, thời hạn khai thác đá đến ngày  30-6-2013 phải chấm dứt; Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát thời điểm chấm dứt là ngày 30-12-2014.

Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động khai thác chế biến, vận chuyển đá của 2 công ty nói trên vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt Công ty TNHH Nho Chiến còn cho tập kết đá đã chế biến lấn sâu vào diện tích đã quy hoạch và đang xây dựng hạ tầng cơ sở, đường giao thông của dự án đô thị Phước Lý hàng chục mét.

Đầu năm 2014, UBND thành phố chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung khẩn trương thi công hoàn thiện đoạn đầu tuyến đường Lê Trọng Tấn nối dài khoảng 700m để kết nối hệ thống giao thông dự án Khu đô thị Phước Lý và đường Đinh Liệt nối dài, tạo thành tuyến giao thông hoàn chỉnh để bảo đảm việc tổ chức giao thông trong thời gian xây dựng công trình nút giao thông ngã ba Huế. Tuy nhiên, Công ty TNHH Nho Chiến đã cho tập kết số lượng lớn đá chắn ngang hiện trường thi công tuyến đường làm việc thi công phải ngừng lại, chậm tiến độ, hiện còn hơn 500m đường không thể thi công được.

Từ thực trạng nêu trên, Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung kiến nghị chính quyền thành phố và các ngành chức năng kiên quyết dừng khai thác đá và không gia hạn hoạt động khai thác tại khu vực Phước Tường với các mỏ đá Phước Lý, Hòa Phát để tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà đầu tư tiếp tục an tâm đầu tư triển khai hoàn thiện dự án Khu đô thị Phước Lý và các dự án khác trong khu vực, đẩy tiến trình đô thị hóa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.