.

Lắng nghe ý dân

.

Thực hiện Quyết định số 11660-QĐ/TU của Thành ủy về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, trong thời gian qua, UBND huyện Hòa Vang tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân các xã. Những vướng mắc cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương được giải bày và được giải quyết rất linh hoạt, hiệu quả.

Nhiều kiến nghị của người dân thôn An Châu, xã Hòa Phú được tiếp thu, giải quyết trong buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo huyện Hòa Vang.
Nhiều kiến nghị của người dân thôn An Châu, xã Hòa Phú được tiếp thu, giải quyết trong buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo huyện Hòa Vang.

Mới đây nhất là cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang với người dân thôn An Châu,  xã Hòa Phú. Những nguyện vọng của người dân về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất đều được giải quyết. Thôn An Châu nằm ở phía Nam xã Hòa Phú, có 83 hộ với 323 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ chính sách, 3 hộ nghèo.

Nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thu nhập ngày càng được nâng lên, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định. Theo bà Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều chương trình, mô hình kinh tế đã được quan tâm, đầu tư ở thôn An Châu như: trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng cỏ nuôi bò, mô hình rau sạch và cây ăn quả sạch…

“Tuy nhiên, nhìn chung các mô hình kinh tế vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát nên chưa tập trung theo vùng, trong khi đó người dân lại thiếu vốn để đầu tư, phát triển sản xuất nên hiệu quả còn thấp. Để thôn An Châu phát triển mạnh hơn, toàn diện hơn trong thời gian tới, rất cần huyện và các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư và giải quyết một số vấn đề xuất phát từ kiến nghị của nhân dân”, bà Hải nói.

Theo phản ánh của người dân, thôn An Châu nằm trong vùng hạ lưu của đập hồ Đồng Nghệ. Vào mùa mưa lũ, cả thôn bị cô lập trong nước lũ, kết hợp với việc hồ Đồng Nghệ xả đập sẽ gây nguy hiểm cho bà con, đặc biệt là khi lưu thông qua ngầm An Châu. “Chúng tôi đề nghị huyện quan tâm, đầu tư xây mới một cây cầu thay cho ngầm hiện nay”, ông Lê Báu, người dân thôn An Châu, đề đạt.

Trực tiếp chủ trì buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định, thôn An Châu là một trong số các thôn huyện Hòa Vang bình chọn là thôn điểm văn hóa văn minh trong xây dựng nông thôn mới. Với mục đích xây dựng thôn phát triển toàn diện trong thời gian đến, những kiến nghị của người dân là rất cần thiết, phản ánh đúng thực trạng của địa phương. “Huyện sẽ hỗ trợ đầu tư mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn từ 3 mét lên 5 - 7 mét để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản.

Dự án này sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư trong năm tới. Riêng việc đầu tư cầu thay cống ngầm An Châu, giao Phòng Kinh tế-hạ tầng kiểm tra, tham mưu cho UBND huyện có công văn đề xuất Sở Giao thông vận tải và UBND thành phố xem xét, đầu tư trong thời gian đến”, ông Trường nói.

Bên cạnh đó, đại diện UBND huyện Hòa Vang cũng yêu cầu UBND xã Hòa Phú phối hợp với các Phòng Nông nghiệp, Công thương tiến hành kiểm tra, đề xuất xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Buổi đối thoại kết thúc trong không khí vui mừng, phấn khởi. Người dân thôn An Châu hy vọng về một sự đổi thay lớn trong tương lai không xa.

Theo ông Phan Văn Tôn, Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang, đây không phải là lần đầu tiên UBND huyện Hòa Vang trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân các thôn, xã. Những buổi đối thoại nhằm mục đích cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, góp phần đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những kiến nghị, vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm sẽ được giải quyết một cách kịp thời, có hiệu quả.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.